Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, toàn thành phố trồng mới được 1.336ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất 998ha; rừng phòng hộ 338ha; diện tích rừng được khoanh nuôi, tái sinh là 1.371ha; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là 38.612ha...
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, rừng tự nhiên cơ bản được bảo vệ và phục hồi; đặc biệt, diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ được bảo vệ, phát triển tốt, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường và điều hòa khí hậu cho Thủ đô; đất trống, đồi núi trọc cơ bản được phủ xanh; độ che phủ rừng tăng từ 5,57% năm 2017 lên 5,67% năm 2020.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phong trào trồng cây phân tán, cây ven đường... phấn đấu nâng tỉ lệ cây xanh từ mức 2-3m2/người hiện nay lên 8-10m2/người vào năm 2025.
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, tạo bóng mát, tăng mỹ quan đô thị, cải thiện môi trường sống…
Trước tình trạng không gian hạ tầng đang có chiều hướng bị “bê-tông hóa”, việc xây dựng một chiến lược phát triển cây xanh mang tính dài hơi, xứng tầm với Thủ đô là điều cấp thiết.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc tăng diện tích cây xanh trên đầu người là cần thiết để nâng chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Song, để thực hiện mục tiêu trên là không dễ nếu thiếu sự vào cuộc của cả cộng đồng.
“Làm thế nào để cộng đồng tự chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư là điều không dễ. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ phường, xã trong việc bảo vệ cây xanh, tránh trường hợp khi triển khai lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, một số xã của thành phố chặt hàng trăm cây xanh”, TS Nghiêm nêu ý kiến.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc xây dựng, cải tạo trong đô thị đang ảnh hưởng lớn đến cây xanh. Ngoài việc thi công các dự án lớn đòi hỏi phải “triệt hạ” cây xanh để giải phóng mặt bằng, các hoạt động duy tu, bảo dưỡng đường sá, vỉa hè, hạ tầng đô thị cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó, không ít hàng cây ven đường phố còn bị người dân cố tình chặt để tạo mặt tiền nhà thông thoáng, tiện việc buôn bán kinh doanh hay để phù hợp tâm linh, phong thủy của một số người. Họ âm thầm chặt rễ, bóc vỏ cây, lợi dụng đêm tối hay mưa bão để “bức tử” cây một cách thoải mái mà không sợ bị phát hiện. Nếu nơi nào kiểm soát chặt thì họ đổ nước sôi, nước muối, dầu hỏa hay thậm chí axit loãng vào gốc và rễ để cây chết dần, chết mòn...
Nhìn lại quá trình hơn 4 năm qua, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, TP.Hà Nội đã rất tích cực phủ xanh các tuyến đường và hiệu quả là rõ rệt. “Thành phố đã thu được rất nhiều kinh nghiệm quý về phát triển hệ thống cây xanh nên những gì đã hoàn thành thời gian qua rất đáng ghi nhận. Hệ thống cây xanh tại nhiều tuyến phố rất đẹp và hấp dẫn hơn trước như trên trục đường Võ Nguyên Giáp chẳng hạn. Không chỉ có vậy, việc cắt tỉa, chăm sóc cây xanh cũng có sự chuyển biến rất tích cực” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng trong giai đoạn tới, TP.Hà Nội nên chọn lọc, làm sao mỗi con phố, mỗi đại lộ trồng một loại cây xanh chủ đạo để tạo nét đặc trưng riêng. Từ mấy chục năm nay, người dân Thủ đô nói đến cây sấu là nhớ ngay đến phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo; nhắc đến phố Lò Đúc là hàng cây Sao đen... Đó là những điểm nhấn đặc biệt rất có giá trị của hệ thống cây xanh Hà Nội và không ai có thể quên.
“Đặc biệt, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Phải xây dựng được văn hóa công cộng, bảo vệ cây xanh như tài sản của nhà mình, xử lý nghiêm khắc hành vi bức tử cây xanh để lấy mặt bằng kinh doanh, để xe. Nếu được như vậy, cùng với sự quan tâm của chính quyền thành phố, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian xanh, những đường phố xanh đặc sắc, giúp cho Hà Nội trong lành, đáng sống hơn”, KTS Phạm Thanh Tùng kỳ vọng.