UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND triển khai “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2019 của thành phố Hà Nội.
Với chủ đề cho các hoạt động "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2019 là: Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững, nhằm xác định trách nhiệm của các tổ chức doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng của mình được quy định trong Luật và các văn bản có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng là đối tượng thụ hưởng của hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Lĩnh hội và phổ biến nhân rộng về quyền người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trong đó chỉ đạo, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiên phong, giám sát của chi bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm, thiếu quyết liệt của từng ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức và địa phương, trong đó, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cá nhân và tổ chức, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.
Về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương, trong nội bộ các ngành, giữa các ngành, các lĩnh vực; xác định rõ vai trò đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước
Về việc này, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Ngoại vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Cục Thuế TP Hà Nội, Cục Hải quan TP Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan, xin ý kiến góp ý của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị của Ban Bí thư nêu trên.