"Trái chiều" lợi nhuận ngành địa ốc
Bức tranh lợi nhuận quý I/2025 của ngành bất động sản đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ hoạt động bàn giao các dự án đã hoàn thiện, một số khác vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại và sự phục hồi chậm chạp của thị trường, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm bất động sản là CTCP Vinhomes (mã: VHM) với doanh thu quý đầu năm đạt 15.698 tỷ đồng (tăng 91%) và lãi ròng lên tới 2.652 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với quý I/2024. Theo lý giải của công ty, động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động bàn giao tại các dự án "khủng" như Vinhomes Royal Island (Hải Phòng) và Vinhomes Ocean Park 2 - 3 (Hưng Yên). Với kết quả này, Vinhomes tự tin hướng đến mục tiêu doanh thu 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng cho cả năm 2025.
Công ty CP đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH) cũng không kém cạnh khi báo cáo doanh thu thuần đạt 710 tỷ đồng (tăng 113%) và lợi nhuận sau thuế 119 tỷ đồng (tăng 86%) so với quý I/2024. Lợi nhuận gộp của Khang Điền cũng có sự cải thiện đáng kể.
Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (mã: NLG) thậm chí còn có mức tăng trưởng doanh thu đột phá, gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 1.290 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu đến từ việc bàn giao các dự án nhà ở thực như Akari giai đoạn 2 và Cần Thơ Central Lake, giúp Nam Long lãi ròng gần 110 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 65 tỷ đồng.
CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng ghi nhận doanh thu bán hàng tăng 2,7 lần, đạt 438 tỷ đồng nhờ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tại dự án Bắc Hà Thanh, kéo theo lợi nhuận sau thuế tăng 15%, đạt 44 tỷ đồng.
Ở phân khúc bất động sản công nghiệp, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận sau thuế tăng 56%, đạt 402 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý I/2021, giúp công ty thực hiện gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị IDICO (UIC) cũng báo lãi sau thuế tăng mạnh 78%, đạt 18,7 tỷ đồng trên doanh thu thuần tăng 17%.

Ảnh minh họa.
Trái ngược với bức tranh tươi sáng của nhiều doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Tập đoàn Novaland (NVL) báo lỗ ròng 476 tỷ đồng trong quý I/2025, dù doanh thu tăng 2,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá và hoạt động khác. Novaland hiện đang xây dựng hai kịch bản kinh doanh cho năm 2025 dựa trên tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án, với cả hai phương án đều dự kiến lỗ. Doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung ưu tiên giải quyết các rào cản pháp lý trong thời gian tới.
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm 13% trong quý I/2025, đạt 924 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhờ cắt giảm giá vốn, công ty vẫn duy trì được mức lợi nhuận tương đương cùng kỳ, đạt 79 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng có một quý đầu năm không mấy khả quan với doanh thu giảm 29,4% và lợi nhuận sau thuế giảm 29,94% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 598,58 tỷ đồng và 155,07 tỷ đồng. Hà Đô đang kỳ vọng vào việc đẩy mạnh bán hàng tại các dự án hiện có, đặc biệt là dự án Hado Charm Villas, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đầy tham vọng cho cả năm 2025.
Triển vọng lợi nhuận ngành bất động sản vẫn tươi sáng
Theo ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), để đánh giá chính xác bức tranh lợi nhuận quý I/2025 của doanh nghiệp nói chung cần nhìn lại bối cảnh kinh doanh của ba năm gần đây, từ đó thấy rõ tính chu kỳ và bản chất của sự tăng trưởng.
Ông Nguyên phân tích, năm 2023 là đáy lợi nhuận khi nhiều ngành chứng kiến sự suy giảm hoặc thậm chí thua lỗ. Năm 2024 có sự phục hồi, nhưng chủ yếu nhờ so sánh với nền thấp của năm trước, và chưa thực sự phản ánh khả năng sinh lời bền vững của các doanh nghiệp. Một số ngành như bất động sản, hàng không, thép có vẻ khởi sắc, nhưng thực tế chỉ mới thoát khỏi tình trạng thua lỗ.

Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Phân tích Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS)
Bước sang quý I/2025, khi so sánh với mức lợi nhuận cao của năm trước, sự phân hóa giữa các ngành và doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn. Tăng trưởng lợi nhuận không còn dễ dàng nhờ hiệu ứng nền thấp, mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận hành hiệu quả thực sự. Đây là thời điểm bộc lộ rõ những doanh nghiệp có nội lực và sức khỏe tài chính tốt.
Với bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Nguyên dự báo ngành bất động sản và ngân hàng tiếp tục là hai ngành đóng vai trò là hai trụ cột chính, dự kiến đóng góp khoảng 55% tổng lợi nhuận của toàn sàn giao dịch. Trong đó, bất động sản được hưởng lợi từ những tín hiệu cải thiện về thanh khoản, dù chưa thực sự rõ rệt nhưng đủ tạo ra kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Cũng theo giới chuyên gia, sự phân hóa lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản trong quý I/2025 cũng cho thấy sự sàng lọc mạnh mẽ trên thị trường. Những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, dự án triển khai đúng tiến độ, pháp lý minh bạch và chiến lược kinh doanh linh hoạt đang có lợi thế lớn hơn trong việc nắm bắt cơ hội phục hồi. Ngược lại, những doanh nghiệp còn tồn đọng nhiều vấn đề pháp lý, nợ nần và thiếu sản phẩm chất lượng sẽ tiếp tục đối mặt với không ít gian nan.
Nhìn về dài hạn, giới chuyên gia cho rằng sự thành công của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng giải quyết các vướng mắc pháp lý, thích ứng với những thay đổi của thị trường và khơi thông dòng tiền. Những tín hiệu tích cực từ các điểm sáng lợi nhuận trong quý I có thể là tiền đề cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của toàn ngành nếu các yếu tố vĩ mô tiếp tục ổn định và các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả. Ngoài ra, những thách thức vẫn còn hiện hữu và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Nguồn: https://reatimes.vn/hai-thai-cuc-loi-nhuan-nganh-bat-dong-san-quy-i-2025-20225050214420295.htm