Thị trường tăng nhẹ cuối năm

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua sắm bắt đầu tăng cao nên giá cả cũng nhích lên. Mặc dù vậy, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết của Hà Nội vẫn đảm bảo dồi dào, không có tình trạng khan hàng sốt giá hoặc đẩy giá lên cao.

Kiểm tra tại một số chợ đầu mối, chợ truyền thống và trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt, sang trọng với mức giá cả phải chăng.

Giống như mọi năm, càng gần Tết, giá lợn, giá gà càng tăng cao; trong đó, giá lợn hơi tăng 5.000-6.000 đồng/kg trong vòng 1 tuần qua. Ghi nhận giá lợn hơi hôm nay (27/1) tại miền Bắc dao động trong khoảng 57.000-59.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi dao động trong khoảng 55.000-57.000 đồng/kg; còn tại miền Nam, giá lợn hơi dao động khoảng 54.000-57.000 đồng/kg.

Như vậy, so với thời điểm giá lợn hơi giảm xuống ở mức thấp kỷ lục vào tháng 10/2021, hiện giá lợn hơi đã tăng trở lại tổng cộng khoảng 14.000-16.000 đồng/kg. Dù vậy, giá lợn hơi vẫn còn đang ở mức khá thấp so với mức giá 82.000-85.000 đồng/kg vào đầu năm 2021.

Với giá lợn hơi hiện nay, theo các tiểu thương, giá lợn móc hàm đang ở mức 85.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên, Thành Công, Hoàng Mai... hiện đang ở mức 100.000-130.000 đồng/kg tùy loại.

Đối với gia cầm, trái với tình trạng ế ẩm cuối năm ngoái, hiện giá gà tại các trang trại đang ở mức rất cao, người chăn nuôi đã có lợi nhuận. Hiện giá gà công nghiệp đang ở mức 30.000-32.000 đồng/kg; gà thả vườn 90.000-100.000 đồng/kg.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Thành Công, Kim Liên, Hoàng Mai... giá gà ta cũng rục rịch tăng và đang ở mức 130.000 đồng/kg gà lông, tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần.

Hàng hóa, thực phẩm tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết
Hàng hóa, thực phẩm tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết

Nguồn cung vẫn dồi dào

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC và GO! khu vực miền Bắc, đánh giá, năm nay khách hàng sẽ mua sắm muộn hơn, đến thứ sáu, thứ bảy, lượng mua sắm sẽ tăng mạnh hơn, nên hiện lượng hàng thiết yếu vẫn được các nhà cung cấp tiếp tục cung ứng cho siêu thị. Vì vậy, khi lượng mua tăng mạnh vào những ngày cuối tuần sát Tết thì Big C vẫn đảm bảo đầy đủ hàng hóa phong phú cung cấp cho người dân.

“Đặc biệt, giá hàng hóa không chỉ không tăng, mà còn giảm cùng nhiều chương trình khuyến mãi, từ 15% đến 50%, đặc biệt những ngày cuối năm siêu thị sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cho các mặt hàng tươi sống, hàng nhập khẩu, trái cây nhập khẩu...” - ông Lê Mạnh Phong nói.

Cũng trao đổi vấn đề này với LĐO, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Hàng hóa phục vụ Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm nên nguồn cung dồi dào, đa dạng. Theo đánh giá của các địa phương và doanh nghiệp, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao nhưng nguồn cung thịt lợn sẽ được các doanh nghiệp cung ứng từ nguồn trong nước và nhập khẩu nên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đánh giá về nhu cầu tiêu dùng Tết, bà Nga cho hay: Năm 2021, do tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, người dân bị giảm sút mạnh, nhất là của các ngành dịch vụ, thu nhập giảm ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa. Bên cạnh đó, do lo ngại về dịch bệnh nên các hoạt động lễ hội, du lịch, giải trí cũng tiếp tục bị hạn chế hơn những năm trước. Tuy nhiên, hiện cả nước đang thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ nên đã góp phần ổn định tâm lý của người dân; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp đang phục hồi dần cùng với các chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ nên dự kiến nhu cầu hàng hóa tháng 1 chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

“Dự kiến sức mua hàng hóa nói chung sẽ tương đương hoặc giảm 1-3%,  trong đó các mặt hàng phục vụ Tết sẽ tương đương so với cùng kỳ năm trước và vẫn tăng khoảng 10% so với các tháng thường. Về xu hướng giá cả: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn..., các địa phương trên cả nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp, tiểu thương có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo, trong khi nhu cầu sẽ không tăng đột biến nên nguồn cung hàng hóa Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn”- bà Lê Việt Nga nói.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/hang-hoa-thuc-pham-tang-nhe-trong-nhung-ngay-giap-tet-63774.html