Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, hiện nay tình trạng hàng nhái hàng giả đang ở mức báo động. Đặc biệt, tình trạng bán hàng giả trên internet bùng nổ và khó quản lý.

Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng bán tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh 1

Những sản phẩm nhái thương hiệu lớn bán tràn lan trên mạng xã hội.

Có thể nói, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; Kinh doanh sản phẩm cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh; Lừa đảo khách hàng… Không những thế hầu hết các trang mạng bán hàng trực tuyến hiện nay đều thiết lập tự do, không đăng ký thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể, giá hàng hóa chào bán cũng không chính xác, nội dung quảng cáo do người quản lý trang tự làm vì mục đích câu khách vào xem trang nên không ít quảng cáo thô tục, không đúng chất lượng sản phẩm. Việc giao dịch mua bán trên những diễn đàn, các mạng xã hội của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào...

Theo như ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho biết, năm 2014, cả nước xử lý hơn 100 vụ vi phạm thương mại điện tử, xử phạt hơn 2 tỷ đồng. Đến năm 2017, cả nước có hơn 180 trường hợp vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng. Năm 2016, có hơn 40 nghìn trường hợp bán hàng vi phạm chất lượng bị yêu cầu gỡ bỏ ra khỏi các sàn giao dịch online. Mặc dù, Cục Thương mại điện tử đã có rất nhiều biện pháp can thiệp, đào tạo cán bộ thanh tra, tập huấn cho các chủ sàn giao dịch để không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn online, nhưng thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Có thể nói, khách hàng không giới hạn, chi phí thấp lại ít bị cơ quan chức năng nào để ý - đó là những lý do khiến hàng giả, hàng nhái được chào bán công khai, tràn lan trên mạng xã hội. Cùng với sự dễ dãi trong những giao dịch mua - bán đã khiến tội phạm có cơ hội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Từ dễ bán đến dễ dàng… “giăng bẫy” và mắc lừa đã và đang là thực trạng của việc kinh doanh buôn bán qua mạng xã hội.

Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng sống tốt trên mạng xã hội vì người tiêu dùng thích hàng hiệu giá rẻ. Một chiếc đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ có giá chính hãng hàng trăm triệu đồng nhưng trên chợ mạng, hàng nhái/giả có giá chỉ 200-300 ngàn đồng. Một chiếc Apple Watch có giá chính hãng gần 20 triệu đồng, trên chợ mạng bán giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử lớn, có tiếng mà đặc biệt khó kiểm soát đối với những sàn thương mại điện tử nhỏ hơn, hoặc các cá nhân, hộ kinh doanh chuyên bán hàng qua mạng xã hội mà nhiều nhất là trên Facebook.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lí cũng đã biết như thế rồi, vậy việc kiểm tra xử lí như thế nào? Hiện có khá nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lí vấn đề này, từ Cục Quản lí cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lí thị trường với mạng lưới đến các địa phương, ngành công an…

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí thị trường (Bộ Công thương) cho biết, sắp tới Tổng cục sẽ tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định số 185  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với hướng gia tăng mức hình phạt để đủ sức răn đe.

Nếu nói rằng hàng hiệu nhái/giả tràn lan chợ mạng giết chết các thương hiệu và nhà sản xuất chân chính có lẽ cũng chưa đủ, mà còn hại cả người tiêu dùng khi tiền mất nhưng món hàng thì kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những loại hàng hóa về chăm sóc sức khỏe, có thể còn gây ra hệ lụy khó lường. 

Chị Nguyễn Minh Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) mua một thỏi son của một thương hiệu ngoại nổi tiếng với giá 200 nghìn đồng qua mạng xã hội. Tin tưởng người bán giới thiệu là hàng chuẩn “xách tay” nên có giá rẻ hơn nhiều so với mức giá niêm yết của thương hiệu, chị Trang yên tâm dùng trang điểm. Chỉ sau vài lần sử dụng son, môi chị Trang có những biểu hiện lạ. Sau khi tham khám, bác sỹ kết luận chị bị kích ứng da.

Đây là bài học lớn cho chị Trang cũng như nhiều người tiêu dùng khác khi chọn mua các sản phẩm trên mạng. Điều đáng nói, không chỉ có hàng nhái giá rẻ mà nhiều người bán hàng sẵn sàng bán hàng nhái, hàng gải, hàng kém chất lượng nhưng vẫn đẩy giá lên cao ngang bằng giá của chính hãng để đánh lừa người tiêu dùng. Vì thể, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, người tiêu dùng nên tìm đến những điểm bán hàng uy tín để mua hàng.

KHÁNH VÂN

Theo baodansinh.vn