Túi nilon được sản xuất từ các nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là được sản xuất từ hạt nhựa Polyetilen (PE) và polypropilen (PP). Đây là 2 nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ, khí đốt và một số hóa chất phụ gia khác như phẩm màu, kim loại nặng (chì, cadimi,..), chất hóa dẻo… Những hóa chất phụ gia này cực kỳ nguy hiểm tới sức khoẻ và môi trường sống của con người. Về mặt sức khỏe, điều mà chúng ta nhận thấy đầu tiên đó chính là sử dụng túi nilon được bọc, đựng và bảo quản thức ăn, trong đó bao gồm cả màng bọc thực phẩm.

Khi thực phẩm được lưu trữ trong các túi nhựa các hóa chất này có thể ngấm vào thức ăn và sau đó được hấp thụ vào cơ thể, kể cả với các dạng màng bọc thực phẩm. Theo thời gian các hóa chất trong túi ni lông sẽ làm thay đổi mô, tổn thương di truyền, lỗi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố. Ở trẻ em, hóa chất chứa trong túi ni lông có thể gây hại đến hệ thống miễn dịch và kích thích làm gián đoạn các vấn đề về hành vi, nhận thức… Nguy hiểm hơn, lạm dụng túi nilon để bọc, bảo quản thực phẩm có thể gây ung thư bởi vì những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu cho túi nilon có thể gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70 – 80 độ C phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm.

hau qua khung khiep tu viec su dung tui nilon
Sử dụng túi nilon: Tiện lợi nhưng rất độc hại

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng túi ni lông gói, bọc thực phẩm nói chung vì chúng sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể. Kể cả việc dùng nilon bọc thực phẩm để bảo quản trong tủ lạnh cũng không được khuyến khích. Vì khi ấy, chất nhựa có khả năng tan ra cao hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm chứa nước, muối mặn, axit, chất béo…

Nếu bắt buộc phải bảo quản thực phẩm thì không nên dùng quá 2 lần (lấy ra dùng rồi cho lại vào tủ lạnh), nên dùng túi ni lông làm từ nhựa trong suốt nhưng phải đảm bảo là túi mới nguyên hoặc dùng màng bọc thực phẩm. Không nên dùng các loại túi nilon có màu xanh đỏ… để đựng và bảo quản thức ăn vì chất nhựa làm loại túi này là chất nhựa tái sinh có nhiều chất độc hại bao gồm nhựa tái chế và chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trộn thêm vào để tái chế. Ngoài ra, không để đựng thực phẩm dạng ướt, chứa dầu mỡ vào túi ni lông.

Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1kg túi nilon /hộ/ tháng. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Việc sử dụng các loại túi nilon ở những mục đích khác nhau gây ảnh hưởng môi trường sống vô cùng nghiêm trọng như: vứt các loại túi nilon sau khi sử dụng xuống cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn gây ứ đọng nước thải và ngập úng. Các điểm ứ đọng nước thải sẽ là nơi sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Theo các nhà khoa học, để sản xuất 1 chiếc túi nilon chỉ mất 5 giây, sử dụng trong vài phút và có khi chỉ cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần ít nhất 500-1.000 năm. Không những thế, rất nhiều túi nilon mà con người sử dụng và thải ra ngoài môi trường không được thu gom, xử lý đúng cách nên nó trở thành rác thải nhựa, có mặt ở khắp nơi, gây thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".

Các nhà nghiên cứu về môi trường lý giải, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, cản trở sự phát triển của các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Khi túi nilon đã được vứt ra môi trường, quá trình xử lý nếu không đúng thì cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể là, nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư…

Thói quen tiêu dùng túi nilon khó thay đổi nhưng không có nghĩa là không thể thay đổi. Đừng chỉ ngồi chờ đợi những chính sách và làm theo nếu bị bắt buộc mà thay vào đó, mỗi người dân nên vào cuộc, tự động thay đổi quan điểm và thói quen của mình trong việc dùng túi nilon. Thay vì dùng túi nilon đựng đồ, hãy sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường. Và để bảo vệ sức khỏe của mình, hạn chế tối đa dùng túi nilon để bảo quản thực phẩm, kể cả đó là màng bọc thực phẩm được sử dụng phổ biến.

Trang Nhi

 

Theo tbck.vn