Ngày 23/9, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 2, trong kỳ họp thứ 2 để xem xét, quyết định các nội dung theo chương trình và bế mạc kỳ họp. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện tại, kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường HĐND - UBND thành phố.
Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, do Giám đốc Sở Xây dựng - Võ Nguyên Phong trình bày, thống kê đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó, có 34 khu có diện tích đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện nay, đang tiếp tục công tác rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung thêm khoảng 200 - 300 nhà).
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, UBND thành phố cần phân loại nhiệm vụ và tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh cho các quận, huyện tổ chức thực hiện đảm bảo khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, với số lượng chung cư cũ lớn nhất cả nước (1.579 chung cư), nhiều chung cư đã xuống cấp, việc cải tạo xây dựng lại là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài, do vậy, UBND thành phố cần xác định rõ lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.
Hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP, Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban của Ban Đô thị: Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án có khối lượng công việc lớn, liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện của nhiều cấp, nhiều ngành. UBND TP cần phân loại nhiệm vụ và tăng cường phân cấp, ủy quyền mạnh cho các quận, huyện tổ chức thực hiện đảm bảo khả thi, phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, với số lượng chung cư cũ lớn nhất cả nước, nhiều chung cư đã xuống cấp, việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài, do vậy, UBND TP cần xác định rõ lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn.
Theo đó, TP dự kiến sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69. Đồng thời, xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Các giải pháp trọng tâm tiếp theo sẽ được triển khai là: Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư; Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư); Thực hiện các chính sách ưu đãi. Đồng thời, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương đã được xác định trong Đề án, theo Ban Đô thị, UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù của Thành phố đã ban hành, trên cơ sở đó đề xuất HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung các cơ chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Thành phố phù hợp với quy định pháp luật, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Đồng thời, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách lập quy hoạch. Sau khi có quy hoạch chi tiết, thành phố sẽ ban hành kế hoạch cải tạo, xây dưng lại chung cư cũ trên địa bàn. Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư; Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư); Thực hiện các chính sách ưu đãi.
Trước đó, theo Đề án, TP. Hà Nội sẽ bố trí nguồn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2020 - 2025 để kiểm định chung cư, ưu tiên chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ (cấp độ D và C cận D); Sở Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: các chủ sở hữu thống nhất chọn, đấu thầu, Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạm cư, UBND thành phố lập Hội đồng thẩm định trước ngày 15/12 để xem xét, phê duyệt phương án bồi thường. Hệ số K được tính từ 1 - 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ.
Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được quy định theo 3 hình thức là các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn và nhà nước thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách (Điều 113 Luật Nhà ở). Đối với việc tạo lập quỹ nhà tạm cư thực hiện trên cơ sở sử dụng quỹ nhà tái định cư có sẵn, đầu tư xây dựng nhà tạm cư, nhà tái định cư (phục vụ tạm cư) mới bằng vốn ngân sách, nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội kết hợp.
Đồng thời, rà soát quỹ đất trống trong các khu chung cư cũ có khả năng giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà tạm cư tại chỗ. UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện kế hoạch.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định gồm: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật; Nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh; Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại điểm (2), nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2, Điều 110 của Luật Nhà ở.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thong-qua-de-an-cai-tao-xay-dung-chung-cu-cu-20201231000003702.html