Không được dạy chương trình trước khai giảng

Bộ GD&ĐT cho biết, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9/2020. Các nhà trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020. Ông Trần Quang Nam - Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường. Cần lưu ý các trường dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn. Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi thông tư cho phù hợp hơn.

Trong thời gian trước khai giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh lại khung năm học 2019-2020, theo đó học sinh nghỉ hè trước ngày 15/7. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức trong hai ngày mùng 9 và 10/8.

Năm học 2020 - 2021, kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung đến trường. Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè.

Năm nay, học sinh sẽ trở lại trường sát ngày 1/9 để chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh minh họa: Q.Anh

Cũng theo Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, Bộ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) và bằng với thời gian học của bậc Tiểu học. Qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Không nên ép con đi học chữ trước khi vào lớp 1

Ủng hộ quy định học sinh được nghỉ hè đến sát dịp khai giảng năm học mới, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết, năm nay, thời gian nghỉ hè của học sinh chỉ một tháng rưỡi, học sinh cần được đảm bảo quyền lợi được nghỉ ngơi, vận động, thậm chí đi tham quan, du lịch cùng với gia đình. Thời gian đi học nên sát ngày khai giảng năm học mới 2020 - 2021, các trường còn thực hiện công tác tuyển sinh, thi cử lớp 10, tốt nghiệp THPT. Hãy để các em đến sớm trước khai giảng vài hôm để các em nhận lớp học mới, dọn dẹp vệ sinh, chuẩn bị mọi thứ cho trường, lớp khang trang đón năm học mới chứ không phải là học hành như mọi khi.

Tuy nhiên, đối với một số phụ huynh, việc không tổ chức học hè cũng là một thuận lợi để học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học "đặc biệt" nghỉ học vài tháng vì COVID-19, học tập trực tuyến, trở lại học chính thức khi thời tiết nắng nóng… Thế nhưng, đối với học sinh lớp 1, thiếu thời gian làm quen với trường mới, bạn mới và nề nếp học tập cũng đặt ra mối lo với phụ huynh và cả giáo viên vất vả khi chưa có thời gian để học sinh hòa nhập.

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cho biết: "Thông thường, hàng năm trường có khoảng thời gian khoảng 1 tuần để học sinh làm quen, bước vào năm học chính thức, giáo viên cũng vừa hướng dẫn ôn lại kiến thức cũ vừa dạy kiến thức mới vì học sinh sau những tháng hè nghỉ thường quên kiến thức cũ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khắc phục và đảm bảo chất lượng học. Đối với học sinh vào lớp 1 năm nay, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, hãy đưa con đến thăm quan trường mới, chia sẻ những điều hay về nơi sẽ học tập sắp tới. Không nên gò ép con đi học chữ trước, ảnh hưởng tới tâm lý, hứng thú học đường của học sinh".

Nhằm đảm bảo quyền lợi nghỉ ngơi cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn dịp nghỉ hè năm nay các trường học không tổ chức dạy thêm, học thêm, không dạy trước chương trình. Cụ thể, các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; cũng không được tổ chức dạy trước chương trình; không được tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2020 - 2021. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non không được dạy trước chương trình ở các độ tuổi, trong đó lưu ý không dạy trước chương trình lớp 1 đối với trẻ 5 tuổi trong dịp hè.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn việc cung ứng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các Sở GD&ĐT và các nhà xuất bản có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở GDPT. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7/2020. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng SGK phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8/2020.


Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội