Sự lạm dụng khủng khiếp từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch
Tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, phần lớn hàng hoá được đóng gói bằng túi ni lông. Đặc biệt là tại các gian hàng thực phẩm và rau quả, hầu như mỗi loại lại được bao gói bằng một túi ni lông riêng, dù chỉ là quả chanh, trái ớt.
Không chỉ có vậy, để thực phẩm thêm bắt mắt, hầu hết các loại thực phẩm này đều được đặt trong khay xốp trước khi được bọc kín trong những lớp màng thực phẩm.
Được bọc gọn gàng, sạch sẽ như vậy nhưng khi ra tới quầy tính tiền, những món hàng này lại một lần nữa được nhân viên thu ngân phân loại và cho vào túi ni lông theo từng nhóm thực phẩm riêng. Chưa dừng ở đó, tất cả lại được đưa chung vào một chiếc túi lớn để tiện cho người tiêu dùng xách về.
Đây là các sản phẩm mà chị H. ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội mang về từ siêu thị Fivimart sau một buổi mua sắm. Để mua được 1 mớ rau, 3 quả táo, 2 loại thịt khác nhau và 1 ít dưa chuột, chị H. phải mang về 3 hộp xốp, 4 cái túi ni lông và 3 miếng màng bọc thực phẩm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở siêu thị Mega Market (trước đây là Metro), BigC, Tmart, Lotte, Aeon,… dù vấn nạn sử dụng tràn lan túi ni lông và các đồ dùng một lần đã được đề cập rất nhiều trong những năm qua.
Các siêu thị kể trên hầu hết đều công bố đã chuyển sang sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường. Thế nhưng, những loại túi này mới chỉ được sử dụng hạn chế ở một số quầy hàng như rau, trái cây trong khi hàng loạt lớp ni lông, khay xốp bao đựng thực phẩm vẫn đang trên đường từ siêu thị về nhà và hàng ngày vẫn thải ra môi trường một cách tràn lan.
Các cửa hàng thực phẩm sạch cũng không hề “vô can”
Lượng người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng các sản phẩm từ những chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch ngày càng lớn. Tuy nhiên, kéo theo đó là số lượng lớn túi ni lông, đồ đựng thực phẩm một lần cũng được chạy đua cùng những siêu thị lớn.
Chỉ cần bước vào một cửa cửa hàng thực phẩm sạch bất kì sẽ tìm được một loạt thực phẩm khác nhau. Rau được bọc ni lông theo từng mớ riêng, thịt cá, củ quả sẽ được đựng trong khay xốp, màng bọc thực phẩm vô cùng tiện lợi.
Đặc biệt, với thực phẩm tươi sống, đây là mặt hàng mà tại các chợ truyền thống, thường người tiêu dùng chỉ sử dụng từ 1 tới 2 túi ni lông tuỳ kích cỡ cho một khối lượng nhất định. Thế nhưng, trong các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các sản phẩm này được bao bọc rất kĩ với hộp xốp cùng vài lớp màng bọc và được chia khối lượng chỉ từ 200 – 500g phù hợp với gia đình 4 người.
Đây chính là vấn đề khi mà người tiêu dùng muốn lấy với số lượng nhiều, sẽ tiêu tốn một lượng túi ni lông, đồ đựng thực phẩm lớn so với quá trình mua hàng truyền thống. Chưa kể, khi ra về, người tiêu dùng đa số sẽ sử dụng thêm một túi ni lông để đựng toàn bộ số thực phẩm để tiện cho quá trình di chuyển.
Điều đáng nói, một khi đã bước chân vào siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch, người tiêu dùng sẽ bị đặt vào thế bị động và buộc phải sử dụng những loại túi đựng gây ô nhiễm môi trườngnày vì không có sự lựa chọn nào khác với những bao bì ni lông đã được gắn liền với thực phẩm như thế này.
Câu hỏi đặt ra ở đây, việc chúng ta luôn được quảng cáo rằng những chuỗi cửa hàng sạch đó gắn liền với tiêu chí thân thiện với con người, với môi trường ngay từ khâu sản xuất tới bàn ăn có còn đúng không? Khi mà quá trình vận chuyển từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng lại cần tới quá nhiều túi ni lông, đồ đựng thực phẩm dùng một lần không hề thân thiện với môi trường như vậy.