Trên thực tế, trường học nào cũng có ban kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm cho bữa ăn bán trú, với thành phần tham dự gồm cả đại diện hội phụ huynh. Nhưng cũng có trường hợp, dù có sự kiểm tra, vụ việc đáng tiếc về an toàn thực phẩm, vệ sinh bữa ăn vẫn diễn ra. Vậy, việc tham gia của phụ huynh phải làm sao cho thật hiệu quả, tránh hình thức, thiếu liên tục cần có giải pháp khắc phục cụ thể.
Trong năm học 2018-2019, khi tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng ở một số trường học, tại một số địa phương, cả Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội đều khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú hàng ngày của học sinh.
Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, một trong các biện pháp tăng cường ATVSTP là phụ huynh cần chủ động hơn trong việc tham gia giám sát bếp ăn trường học.
|
Tuy nhiên, theo ý kiến của phụ huynh, việc giám sát bữa ăn học đường hiện nay vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Trong khi vấn đề đặt ra ở đây là giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, có đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không lại vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Mới đây, tại hội nghị giao ban tháng 8 của UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường thực hiện nghiêm việc công bố, công khai nguồn gốc xuất xứ, đơn vị cung cấp thực phẩm tại các trường học và mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát, theo dõi. Đây là một trong những việc cần làm ngay trong thời gian bắt đầu năm học mới 2019-2020.
Theo ông Trần Ngọc Tụ- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn bán trú cho học sinh là công việc thường xuyên. Các vi sai phạm đều phải chịu xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị vi phạm. Nhưng quan trọng nhất là ngăn chặn các nguy cơ chứ không để xảy ra các vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh do sự cố về ATTP.