Trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt được những thành tựu hết sức ý nghĩa. Theo đó, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... với thị trường Campuchia như: Yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... Ngày 22/6/2022, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Campuchia tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Tây Ninh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020.

Thời gian gần đây, mặc dù dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại biên giới gặp nhiều trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với Campuchia vẫn đạt những kết quả khả quan.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2020. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,6 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia, bao gồm: Sắt thép các loại; sản phẩm hóa chất; sản phẩm nhựa; máy móc, thiết bị điện; thực phẩm chế biến, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc. Các mặt hàng nhập khẩu: cao su, hạt điều, nông sản.

Hiện cả hai nước đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hầu hết mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0 - 5%.

Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường Campuchia.

Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia.

Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới có FTA.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để ta có thể tranh thủ gắn bó, hợp tác để đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia.

Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy sản...

Theo baodansinh.vn

Nguồn: https://baodansinh.vn/kim-ngach-xuat-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-sang-campuchia-dat-48-ty-usd-tang-157-20220619203646.htm