Theo nhận định của Bộ Công thương, tình hình kinh tế thế giới 7 tháng đầu năm có nhiều biến động khi tăng trưởng chậm lại nhanh hơn so với dự kiến, rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.
Các điểm nóng địa chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo Dự báo Kinh tế Thế giới (WEO) được công bố ngày 23/07, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ 3,3% (mức dự báo đưa ra hồi tháng 4) xuống còn 3,2%, nguyên nhân chủ yếu là do tác động bất lợi của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tính không xác định liên quan đến hậu quả của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Mức 3,2% là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009. Ngoài ra, IMF cũng cho rằng thương mại toàn cầu giảm tốc mạnh trong năm nay, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 0,9 điểm phần trăm xuống còn 2,5% trong năm 2019 so với dự báo trước đó.
Đồng quan điểm với IMF, hầu hết các tổ chức quốc tế cũng giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian gần đây so với các dự báo trước đó.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết nền kinh tế thế giới có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm nay. Mức dự báo này giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tăng 2,9% mà WB đưa ra hồi tháng 1, đồng thời thấp hơn nhiều so với tăng trưởng 3% đạt được trong năm 2018.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tháng 05/2019 đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,1 điểm %, từ mức 3,3% (mức dự báo đưa ra hồi tháng 4) xuống 3,2% trong năm 2019.
Theo đó, Bộ Công thương cho biết, ở trong nước, tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Tuy nhiên cũng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: thời tiết diễn biến phức tạp; việc nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa và trồng rừng tập trung, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn Châu Phi; xuất khẩu nông sản sụt giảm vẫn đang là thách thức lớn; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định nhưng không cao như cùng kỳ.
Trước tình hình đó, các bộ, ngành và địa phương đã theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, cụ thể ngay từ những ngày đầu năm 2019 các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;
Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương…
Nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019;
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; tạo động lực cho tăng trưởng.
Chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cho thấy sự cải thiện tích cực. Chỉ số này đã được cải thiện tốt hơn trong Quý II/2019 với mức tăng PMI chốt tháng 6 ở mức 52,5 điểm – mức cao nhất kể từ đầu năm (cao hơn mức tháng 5 là 52 điểm).
Số lượng đơn hàng mới tăng (đơn hàng trong nước và quốc tế) là nhân tố chính làm tăng sản lượng hàng hóa sản xuất ở Việt Nam trong 19 tháng liên tiếp và có tác động lan tỏa tích cực đến xu hướng tăng việc làm, hoạt động mua hàng và tồn kho của doanh nghiệp.
Tình hình cụ thể như sau: Tính chung 7 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 1,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Về nhóm ngành sản xuất và phân phối điện: Tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10% (cùng kỳ tăng 10,7%), bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, ngành điện gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu điện tăng trưởng cao, đặc biệt có nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng, trong khi đó hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn điện, tình hình thủy văn nước về các hồ thủy điện kém và nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giảm so với kế hoạch...
Sản xuất nhóm hàng linh kiện, điện tử, thiết bị điện: đối với nhóm hàng thiết bị điện nhu cầu tiêu thụ nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa nên tăng trưởng sản xuất không cao.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2019 tăng nhẹ so với tháng trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 45 tỷ USD, tăng 9,9% so với tháng 6/2019 và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước; Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn khi tăng 14,9%, ước đạt 22,4 tỷ USD.
Nguồn: http://baodansinh.vn/7-thang-kinh-te-vi-mo-on-dinh-lam-phat-duoc-kiem-soat-d103305.html