Hà nội rung chấn do động đất ở Lào
6h50 sáng 21/11, người dân ở một số tòa nhà cao tầng Hà Nội thấy đồ đạc rung nhẹ, cảm giác chóng mặt. Nguyên nhân là động đất 6,1 độ richter tại Lào.
"Tôi đứng trong nhà có cảm giác như bị tụt huyết áp, nhìn cốc nước trên bàn thấy rõ bị rung lắc khoảng 10 giây", anh Nguyễn Thanh Hiệp (30 tuổi, ở tầng 20, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) cho biết.
Nhiều người sống trong các tòa nhà cao tầng ở quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân cũng cảm nhận rung lắc. Anh Nguyễn Tuấn Long (43 tuổi, ở tầng 15, khu đô thị Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm) kể: "Cánh cửa tủ va đập phát ra tiếng động khiến các con tôi hoảng sợ. Cánh quạt trần cũng lắc nhẹ".
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết Hà Nội là một trong những địa phương ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của một trận động đất lớn xảy ra tại Lào.
Tâm chấn được ghi nhận ở toạ độ 19,46 độ vĩ bắc - 101,26 độ kinh đông, trên địa bàn tỉnh Sayaboury (tây bắc nước CHDCND Lào) với độ sâu 38 km.
"Đây là trận động đất lớn, lên đến 6,1 độ richter, ảnh hưởng đến một số địa phương ở Việt Nam. Tại Hà Nội, những người sống ở các khu nhà cao tầng, chung cư sẽ cảm nhận rõ nhất, nhưng dư chấn này không nghiêm trọng", Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho hay.
Làm thế nào để sống sót khi gặp động đất
Tránh xa kính, đồ nội thất lớn và các mối nguy hiểm khác: Ngay khi cảm nhận được những dư chấn đầu tiên, cố gắng giữ bình tĩnh và nhanh chóng tránh xa bất cứ thứ gì có thể rơi xuống hay làm bạn bị thương. Dùng hai tay ôm đầu rồi đi cúi thấp hoặc bò tránh xa các mối nguy hiểm như cửa sổ, tủ, tivi và tủ sách.
Bảo vệ đầu và cổ của bạn khỏi các mảnh vụn rơi xuống: Nếu có thể, hãy lấy một cái gối, đệm ghế sofa, hoặc một vật khác để che chắn mặt và đầu của bạn. Nếu không có gì gần đó để sử dụng như một tấm khiên, hãy che mặt, đầu và cổ bằng tay và cánh tay của bạn. Một trận động đất mạnh có thể gây ra những đám mây bụi nguy hiểm, bạn cần che mũi và miệng bằng khăn tay hoặc quần áo.
Quy tắc tam giác vàng: Theo như Doug Copp, một nhân viên cứu hộ đã từng giải cứu nạn nhân trong 875 tòa nhà bị sập do động đất. Thì cách tốt nhất để sống sót khi xảy ra một vụ động đất đó là quy tắc tam giác vàng.
Hãy tìm lấy một đồ vật to lớn và chắc chắn như chiếc tủ, những đồ vật có thể bị đè bẹp nhưng vẫn để lại một khoảng trống nhỏ bên cạnh nó. Đó chính là tam giác vàng mà khoảng không gian bên trong nó sẽ giúp bạn không bị đè bẹp cho đến khi đội cứu hộ đến.
Trốn dưới gầm bàn: Cơ quan quản lý thiên tai Liên bang Mỹ FEMA khuyến cáo khi trận động đất xảy đến mà bạn đang ở trong một ngôi nhà, thì tốt nhất là bạn nên chui xuống gầm bàn, dùng tay bảo vệ đầu, bịt miệng để tránh hít bụi và giữ thật chắc cho đến khi mọi chuyện qua đi.
Đi cầu thang bộ: Không bao giờ đi cầu thang máy dù thấy nó vẫn đang hoạt động, bởi khi xảy ra động đất hệ thống điện sẽ gặp sự cố khiến cho thang máy mắc kẹt và bạn không thể thoát ra khỏi đó.
Ngồi ngoài xe ô tô: Khi bạn đi trên đường, hãy nhớ không bao giờ được ngồi trong xe ô tô khi xảy ra động đất. Thiết kế trần xe ô tô không đủ chắc chắn, khi có vật nặng đè lên chiếc xe chắc chắn sẽ bị bẹp dí.
Vậy nên, việc đơn giản nhất bạn có thể làm là ra ngoài xe và ngồi cạnh chiếc xe của mình, gần phần động cơ. Vì động cơ xe là một trong những bộ phận cứng và chắc chắn nhất, có thể tạo ra tam giác vàng giúp bạn sống sót. Theo những gì mà nhân viên cứu hộ Doug Copp đã từng nhìn thấy thì tất cả những chiếc xe dù đã bị nghiền nát trong trận động đất vẫn để lại một khoảng trống 1m bên cạnh chúng, trừ trường hợp những thanh, cột rơi thẳng trực tiếp vào chiếc xe.
Di chuyển ra khỏi các tòa nhà, đèn đường, đường dây điện và cầu: Các địa điểm nguy hiểm nhất trong trận động đất là khu vực xung quanh các tòa nhà. Ngay sau khi mặt đất bắt đầu run rẩy, cố gắng đi càng xa càng tốt khỏi bất kỳ cấu trúc lân cận nào. Chú ý đến những mảnh vụn rơi xuống, và không được trú ẩn dưới cầu hoặc cầu vượt. Ngoài ra, hãy tìm các chiếc hố hoặc các lỗ hổng lớn trên mặt đất làm nơi trú ẩn.