Báo cáo "Ngành điện - Kỳ vọng cung cầu cân bằng hơn trong năm 2022" công bố bởi SSI Research nhận định: Năm 2021 xảy tình trạng dư cung trong hệ thống điện toàn quốc do nhu cầu tiêu thụ điện yếu do dịch bệnh Covid-19 và công suất điện mặt trời tăng đột biến. Cùng với điều kiện thuỷ văn thuận lợi, hiệu suất hoạt động tại các nhà máy nhiệt điện thấp hơn.

Do đó, nhìn sang năm 2022, SSI Research ước tính cung cầu điện sẽ cân bằng hơn với mức tăng trưởng tiêu thụ điện về mức bình thường.

2021: Lợi nhuận của nhà máy nhiệt điện sẽ bị ảnh hưởng 

Tại báo cáo, SSI Research bày tỏ sự lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các nhà máy nhiệt điện trong năm 2021, theo đó, con số lợi nhuận sẽ khá tiêu cực bởi 3 nguyên nhân chính: Một, công suất tăng mạnh ở nhóm năng lượng mặt trời; Hai là nhu cầu tiêu thụ điện còn thấp và ba là chu kỳ thời tiết La Nina.

"Sản lượng huy động và hiệu suất hoạt động của nhà máy nhiệt điện sẽ thấp hơn và kèm theo tỷ sản lượng theo hợp đồng (% Qc) cũng sẽ giảm do EVN ưu tiên huy động nguồn thuỷ điện. Do đó lợi nhuận của các công ty nhiệt điện sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực tăng giá khí/than đầu vào", báo cáo nêu.

Ước tính cung/cầu điện trên toàn quốc dự kiến đạt mức cân bằng trong năm 2022

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng ảm đạm, gần đây một số công ty nhiệt điện đã thông qua phương án chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 khá bất ngờ. Cụ thể, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đã đề xuất chi trả cổ tức tiền mặt năm 2020 với tỷ lệ 24,3% trên mệnh giá, tương ứng tỷ suất cổ tức là 13%; kế hoạch tỷ lệ cổ tức tiền mặt cho năm 2021 được đặt ở mức từ 4 - 8% trên mệnh giá. Hay như CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) quyết định tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2020 lên tới 58,9% trên mệnh giá, trong số đó công ty đã chi trả 15%. Phần còn lại sẽ được chi trả sau ĐHCĐ - với tỷ suất cổ tức là 16%. Tuy nhiên, kế hoạch cổ tức tiền mặt năm 2021 đã được hạ xuống 15% trên mệnh giá, tương ứng tỷ suất cổ tức là 5%.

Ngoài ra, các nhà máy điện than sẽ phải đối mặt với áp lực vốn đầu tư lớn khoảng 1,8 - 2 nghìn tỷ đồng cho các dự án môi trường. Theo ban lãnh đạo của HND, PPC và CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) phát biểu tại ĐHCĐ, chi phí đầu tư này sẽ được thông qua giá PPA dựa trên Thông tư 57/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020. Tuy nhiên, đối với các nhà máy cũ như PPC sẽ là áp lực về vốn lớn khi phát sinh nhiều nhu cầu đầu tư vào nhà máy mới hoặc nâng cấp máy móc hiện có, cùng với chi phí cho dự án môi trường.

2022: Kỳ vọng cung cầu điện cân bằng

Dự báo cung - cầu ngành điện 2022
Ảnh minh họa.

Nhìn sang năm 2022, SSI Research ước tính cung cầu điện sẽ cân bằng hơn với mức tăng trưởng tiêu thụ điện về mức bình thường. Nếu công suất điện mặt trời không thay đổi thêm và công suất điện gió được triển khai đúng theo với dự thảo Quy hoạch điện 8, tỷ lệ cung/cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng.

Theo đó, nhóm nghiên cứu giả định tăng trưởng tiêu thụ điện trên toàn quốc năm 2022 sẽ phục hồi trở lại tăng khoảng 8,1% so với cùng kỳ 2021 (con số tăng trưởng của 2021 so với 2020 là 6,6%; tăng trưởng của 2020 so với 2019 là khoảng 2,5%).

Ngoài ra, điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào đầu năm 2022. Từ đó, sản lượng phát điện từ thủy điện có thể sẽ thấp hơn trong năm 2022, đồng thời, sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện sẽ phục hồi. Trên cơ sở này, SSI đưa ra khuyến cáo các nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư nhóm cổ phiếu nhiệt điện vào đầu năm 2022.

"Và chúng tôi ưu tiên các nhà máy điện khí CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) thay vì nhà máy điện than do gánh nặng chi phí đầu tư cho các dự án môi trường", báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, hiệu suất hoạt động của các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ dần đạt mức thiết kế, thay vì tỷ lệ thấp bất thường vào năm 2021 do dư cung.

Theo Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ky-vong-cung-cau-nganh-dien-se-can-bang-hon-trong-nam-2022-20201231000002168.html