Công cuộc giải cứu đặc sản nhiều gian nan

Những đặc sản của người nông dân trong thời gian qua được kêu gọi giải cứu rất rầm rộ bởi tình hình xuất khẩu bị hạn chế khi dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát. Đến nay khi một số cửa khẩu Trung Quốc thông quan trở lại thì các quốc gia thuộc khối Liên minh EU lại đóng cửa. Đó chính là nguyên nhân nhiều loại đặc sản Việt bị tắc biên.

Một số quốc gia cũng có chương trình kêu gọi giải cứu đặc sản. Như ở Pháp, ngành sản xuất phô mai đang trong tình cảnh “vô cùng khó khăn” khi hàng ngàn tấn phô mai có nguy cơ phải vất bỏ. Người Pháp đã “kêu gọi” giải cứu phô mai như một hành động thể hiện nghĩa vụ yêu nước. Thậm chí, nước này còn ra thông cáo báo chí để lan tỏa lời kêu gọi tới mọi người.

Rất nhiều loại đặc sản vừa được giải cứu thời gian qua

Tại nước Mỹ, sau những ngày lo lắng vì thiếu thốn thực phẩm giờ đây đang phải đối mặt với hậu quả kinh hoàng của đại dịch Covid-19, nông dân đổ bỏ hàng triệu tấn nông sản tươi như sữa, trứng, rau củ... do nhu cầu tiêu thụ rớt thảm hại. Sau đó, một số tổ chức xã hội của Mỹ đã tìm cách để kết nối trực tiếp nông dân và ngân hàng thực phẩm để tránh lãng phí.

Còn tại Bỉ, Chính phủ đang kêu gọi giải cứu đến 750.000 tấn khoai tây giúp nông dân.

Tại Việt Nam, những năm gần đây từ "giải cứu" đã rất quen thuộc với người dân. Vào thời gian dịch bệnh Covid-19 thì tình hình giải cứu các loại đặc sản càng nóng hơn. Đầu vụ là chiến dịch giải cứu tôm hùm, rồi đến thanh long đỏ, tôm sú, ngao hai cồi, cá hồi Sa Pa, gia cầm gà vịt… Tuy nhiên, những cuộc giải cứu đó chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và tự phát chứ không qua một tổ chức hay siêu thị lớn nào và không mang lại hiệu quả. Mặt hàng đặc sản đó chỉ cao một thời gian ngắn rồi sau đó lại về giá như thường hoặc bị người dùng bỏ bê, quay ngoặt sang một mặt hàng mới.

Thanh long được giải cứu tôn vinh bánh mì Việt

Một giải pháp khác giải cứu có tính hệ thống hơn như tạo ra loại bánh mì thanh long của một người thợ làm bánh Sài Gòn giữa lúc thanh long cần "giải cứu". Cuộc giải cứu này đã có sức ảnh hưởng nhất định, một số tờ báo nước ngoài đã khen ngợi cách làm thiết thực này. Nhưng việc hỗ trợ sản phẩm nội địa cần sự quyết liệt, mạnh mẽ và xuyên suốt ở tầm quốc gia để nhà nông có thể ấm no hơn.

Hay như khi giá mít vừa rơi xuống tầm dưới 10.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chế biến mít ngay lập tức tăng mua dự trữ để làm món mít sấy, khiến giá mít tăng trở lại. Mặt hàng này có thể dự trữ được lâu mà cũng không hề lo lắng bị rớt giá.

Kỳ vọng nào cho đặc sản

Đáng tiếc là những cuộc giải cứu có sức ảnh hưởng như trên chưa nhiều và những doanh nghiệp ra tay còn nhỏ lẻ khiến cho việc “giải cứu” đặc sản Việt vẫn như “muối bỏ bể”. Sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 thì công cuộc giải cứu lại càng cần phải xem xét hơn, bởi lẽ, không thể đoán trước được thị trường sẽ biến động như thế nào và những người nông dân phải đối mặt với những khó khăn gì. Tốt hơn hết, hãy chuẩn bị trước một phương án toàn diện nhất cho những công cuộc giải cứu lâu dài, hay những biện pháp khác cho đặc sản Việt.

Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” vẫn có thể khai thác được giá trị khi mà các công cuộc giải cứu vẫn diễn ra. Tuy nhiên, cần phải làm thế nào để những cuộc giải cứu đặc sản này trở nên ý nghĩa?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thứ nhất, không nên hình thành tư duy “bỏ trứng vào một giỏ” khi chỉ tập trung xuất khẩu sang một thị trường nào nhất định. Và điều này cần sự can thiệp của nhà nước “Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào nhiều vào 1 -2 thị trường chính. Không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà mở rộng ra những thị trường khác như Balan, Hungary hoặc Bỉ … Làm được những việc trên, chắc chắn việc phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản của Việt Nam trong thời gian tới sẽ từng bước được cải thiện, đồng thời hạn chế việc “giải cứu” đặc sản tồn tại từ nhiều năm nay”

Đó là nhiệm vụ của những nhà quản lý, còn đối với người dân cần phải cải thiện những sản phẩm của mình. Nhìn rộng ra thì thấy sản xuất của người dân vẫn còn nhỏ lẻ và chưa thực sự đồng đều, hiệu quả. Chính vì sản xuất tự phát không theo hợp tác xã hay một tổ chức cá nhân nào khiến hàng hóa năm thì dư thừa, năm thì thiếu hụt, do đó cần phải “sản xuất và quy hoạch bài bản hơn”

Thứ hai là cần đặt một mục tiêu cho vấn đề đặc sản Việt, tránh tình trạng đặc sản không xuất được như thời gian qua mà người dân lại không có để dùng. Chuỗi cung ứng sản xuất phân phối các mặt hàng của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ qua nhiều trung gian, bị ép giá, ép cấp, ép chiết khấu, giao dịch mua bán hàng hóa chưa được công khai minh bạch, thiếu thông tin về giá cả và thị trường. Chính vì lẽ đó mà đặc sản Việt một khi đã ế thì ế dài (như trong thời điểm dịch vừa qua).

"cần có bàn tay của nhà nước để điều tiết thị trường không những đầu nậu trung gian sẽ tìm cách bóp nghẹt người dân" - Chuyên gia Vũ Vinh Phú.

Người dân Việt hoàn toàn có mong muốn được dùng đồ tốt, đồ ngon của nước mình. Vì thế “thị trường nội địa cần phải được coi trọng hơn. Thị trường nội địa còn khó khăn ở chỗ, những loại hàng ngon hàng tốt thì trôi nổi bên ngoài, chỉ một phần được vào siêu thị. Tại sao lại có tình trạng đó? Vì khi đưa vào một số siêu thị bị chiết khấu đến 30%, thì người nông dân người ta còn được đồng nào nữa?”

Ông Phú cho rằng, tại Việt Nam thì giá đặc sản trong siêu thị luôn đắt hơn ngoài chợ dân sinh và điều này “ngược lại so với các nước đang phát triển, ở đó giá siêu thị đa phần thấp hơn ở các chợ dân sinh. Bởi siêu thị có thế mạnh về doanh số, khi đàm phán giá với các nhà cung ứng, thậm chí ép giá khi mua vào để tổ chức bán ra. Đây là bài toán lâu dài về giá bán lẻ ở các siêu thị Việt Nam”.

"Với những chính sách đúng đắn của Nhà nước, sự tham mưu hiệu quả của các bộ, ngành liên quan và các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, tương lai không xa, đại đa số nhân dân sẽ được hưởng đặc sản Việt một cách trọn vẹn", chuyên gia nhận định.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới