Len lỏi khắp các vùng quê, tín dụng đen với lãi suất cắt cổ đang gây hoang mang và khiến nhiều người lo ngại.
Tại hội nghị bàn giải pháp chống tín dụng đen mới đây, theo báo cáo của ngân hàng nhà nước (NHNN), 4 năm toàn quốc có 7.624 vụ phạm tội, với 56 vụ giết người, 389 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản… liên quan tới tín dụng đen.
Theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN Vũ Quốc Hùng, 2 nhóm đối tượng của tín dụng đen gồm: Khách hàng bất hợp pháp vay chơi cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá, và nhóm người dân có nhu cầu cấp bách nhưng không vay được vốn ngân hàng.
Lý giải về điều này, ông Hùng cho rằng, do người dân có thu nhập thấp, công việc không ổn định và sản phẩm, thủ tục vay của nhà băng còn hạn chế, mất thời gian nên họ chưa thể tiếp cận được.
Nhằm mục đích ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã sẵn sàng sửa đổi một loạt các chính sách; cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới; yêu cầu các ngân hàng thiết kế gói sản phẩm tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân, với thủ tục đơn giản.
“NHNN sẽ rà soát lại cơ chế, sửa đổi để người dân có thế tiếp cận vốn hiệu quả trên cả kênh ngân hàng và các công ty tài chính. Đặc biệt, các công ty tài chính cũng sẽ được yêu cầu hoạt động minh bạch, hiệu quả, thiết thực với lãi suất hợp lý hơn”, ông Hưng nói.
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đa dạng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu tín dụng của người dân. Đặc biệt, đối tượng người dân có thu nhập thấp và trung bình vẫn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của ngân hàng.
Ông Kiên đề xuất: “Muốn chặt bớt vòi tín dụng đen, phải đẩy mạnh tài chính toàn diện, chứ chỉ ngân hàng vào cuộc là chưa đủ. Cần mở rộng và thành lập mới thêm công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân… ở địa bàn nông thôn để giải quyết nhu cầu về tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp”.
TS Lê Đăng Doanh phân tích, tín dụng tiêu dùng không chỉ đơn thuần là giải pháp để triệt tiêu tín dụng đen, mà còn là một trong những yếu tố hỗ trợ kinh tế phát triển.
“Phát triển tài chính tiêu dùng, nhất là mở cửa cho các công ty tài chính phát triển, không chỉ giúp ngày càng nhiều khách hàng có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, không phải dựa vào tín dụng đen, mà còn thúc đẩy tăng cầu trên thị trường, khuyến khích tăng cung cả về số lượng lẫn chất lượng từ phía sản xuất và cung ứng dịch vụ, làm cho nền kinh tế năng động hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc hãng kiểm toán E&Y Việt Nam, một lượng lớn khách hàng tiềm năng của công ty tài chính sống tại khu vực nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước) trong khi độ phủ sóng dịch vụ tài chính tại khu vực này lại rất thấp.
Do đó, nếu áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức tiếp cận, các công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn có thể tiếp cận tới nhóm khách hàng này, nhằm nâng cao thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở địa bàn này.
Đồng tình với quan điểm đó, Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế chia sẻ: "Cần tạo điều kiện để phát triển tài chính tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính, để những tổ chức này thành “cánh tay nối dài” đến các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phải có hình thức tuyên truyền cho người dân biết về những lợi ích của các công ty tài chính mang lại, giúp họ nhận thức để có lựa chọn vay vốn giữa tín dụng đen với tín dụng chính thống".