Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ chưa phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của nhau, nên nhóm nghiên cứu đánh giá tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ không có nhiều tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, có 5 tác động tiêu cực đã được TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu chỉ ra. Đồng thời, có 4 kiến nghị đã được nêu lên tại báo cáo này.

5 tác động đối với nền kinh tế Việt Nam

Một là, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ có thể trì hoãn quá trình khôi phục giao thương giữa các quốc gia trong đó có Việt Nam. Việc phải tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ làm chậm quá trình mở lại đường bay giữa Việt Nam - Ấn Độ nói riêng và với các nước nói chung.

Hai là, ảnh hưởng tới nguồn cung các sản phẩm dược phẩm của Việt Nam trong đó có vaccine Covid-19. Hiện nay, Ấn Độ là nhà cung cấp quan trọng cho chương trình COVAX mà Việt Nam có tham gia. Việc thiếu hụt nguồn cung vaccine từ Ấn Độ có thể khiến quá trình tiếp nhận, mua vaccine của Việt Nam chậm hơn so với dự kiến.

Ba là, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chậm lại có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa, trong đó có hàng hóa của Việt Nam. Hiện nay, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 9,7 tỷ USD năm 2020 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,24 tỷ USD và nhập khẩu 4,44 tỷ USD từ Ấn Độ, giảm 13,5% so với cùng kỳ, trong khi năm 2019 tăng 4,8% so với năm trước).

Trong đó, hai mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ bị ảnh hưởng khá lớn là dược phẩm (chiếm 7,8% kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam), sắt thép các loại (13,7%); còn các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỉ trọng không lớn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Bốn, ảnh hưởng một phần đến hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đến hết tháng 4/2021, Ấn Độ là nhà đầu tư FDI lớn thứ 26 của Việt Nam với 909 triệu USD tổng vốn đăng ký lũy kế, chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, sản xuất đường, cà phê, hóa chất nông nghiệp, CNTT và phụ tùng ô tô... Tác động ở đây chủ yếu là do các lệnh phong tỏa, cách ly khiến hoạt động đi lại của đội ngũ chuyên gia khó khăn hơn, dẫn tới kéo dài hoặc làm chậm lại việc triển khai các dự án đầu tư. 

Năm là, gián đoạn nguồn cung từ Ấn Độ đem lại cơ hội xuất khẩu cho một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt nam có thế mạnh xuất khẩu như gạo, đường, thủy sản… Đồng thời, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu đang diễn ra.

4 kiến nghị đối với Việt Nam

Thứ nhất, kiên định thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế", trong đó công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai tiêm vaccine là nhiệm vụ hàng đầu. Bài học kinh nghiệm từ tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đối với Việt Nam là luôn không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh; không đánh sức khỏe của nhân dân với tăng trưởng kinh tế, mà mục tiêu kép là nhất quán, là xuyên suốt.

Thứ hai, nhanh chóng đàm phán với các đối tác để có nguồn cung vaccine mới bổ sung, thay thế nguồn từ chương trình COVAX. Trước tình hình nguồn cung của COVAX bị thiếu hụt do Ấn Độ tập trung cho tiêm chủng trong nước, Việt Nam cần chủ động đám phàn với các đối tác khác nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêm chủng trong nước, cùng với việc ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ ba, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm nối lại các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch….giữa Việt Nam và Ấn Độ ngay sau khi Ấn Độ kiểm soát được dịch bệnh.

Thứ tư, chú trọng cải thiện đúng và thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội thu hút, sàng lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/lan-song-covid-19-thu-2-tai-an-do-tac-dong-the-nao-toi-vn-20201231000002254.html