cong nghiệp
Ảnh minh họa.

Theo như báo cáo phân tích, bối cảnh quốc tế và trong nước trước và trong đại dịch Covid-19; phân tích và đánh giá tác động của Covid-19 tới tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam; phân tích một số yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và xác định định hướng và lộ trình chính sách cho phát triển giai đoạn 2021-2023.

Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I/2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong cả năm 2020 giảm 2,3% so với năm 2019 nhưng tổng vốn đăng ký tăng 29,2%, cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới.

Tổng vốn phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2020 tăng 5,7%, thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng đầu tư/GDP năm 2020 đạt 34,4%. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25%; vốn FDI thực hiện đạt 19,98 tỷ USD.

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiên định với yêu cầu ổn định lạm phát. Điều hành chính sách tỷ giá tiếp tục hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế có xu hướng giảm dần, chất lượng tín dụng cải thiện khi dòng vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ưu tiên. Năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 12,13%, phù hợp với định hướng của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước khi hạ lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực kinh doanh và xuất khẩu.

Độ mở thương mại của Việt Nam giữ xu hướng tăng. Hoạt động thương mại điện tử là điểm sáng trong năm 2020, với doanh số tăng 25%. Năm 2020 cũng ghi nhận một số ngành sản xuất có tăng trưởng nổi bật như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; hay sự phát triển một số ngành nghề mới như dịch vụ số, thương mại điện tử, xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 được đánh giá dựa trên 3 kịch bản. Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Hội thảo nhấn mạnh lại thông điệp phục hồi kinh tế phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Những đề xuất định hướng và giải pháp liên quan đến phục hồi kinh tế; cải cách thể chế; độ mở cho hoạt động kinh tế mới; hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững cũng được cụ thể hóa, cùng với yêu cầu phải thực hiện hài hòa, thống nhất trong thời gian tới.

Hội thảo cũng trao đổi về đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023 là tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022 và rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Theo Anh Tuấn/Congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/trien-vong-kinh-te-viet-nam-giai-doan-2021-2023-duoc-danh-gia-dua-tren-3-kich-ban-185637.html