Làng lụa những ngày giáp Tết

Tiếng khung cửi, máy dệt hoạt động hết công suất là âm thanh đầu tiên mà du khách và người dân nghe thấy ngay khi bước chân qua cánh cổng làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Khu vực trưng bày sản phẩm luôn bắt mắt

Theo lời những người chủ cửa hàng đồ lụa tại đây, mặc dù lượng khách đến mua hàng đã ít hơn so với hè, nhưng những bộ đồ lụa, khăn lụa hay vải lụa làm quà Tết vẫn được nhiều người đến xem.

Một góc thanh bình trước Tết tại làng lụa Vạn Phúc

Đặc biệt, các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc rất đa dạng về màu sắc, phong phú về chủng loại như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi... có tiếng là chất lượng bền đẹp, cho cảm giác mềm mại nhẹ nhàng, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè.

Rất nhiều mặt hàng tơ lụa chất lượng cao 

Thời gian giáp Tết, khi người Việt Nam bận rộn chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, thì làng lụa Vạn Phúc lại là một địa điểm lý tưởng để du khách nước ngoài đến thăm.

Dù ít khách hơn mùa hè, làng nghề vẫn thu hút được lượng khách ổn định

Không chỉ đến đây vì một nét văn hóa làng nghề truyền thống, mà du khách thập phương còn có cơ hội tìm hiểu về nét đẹp lễ Tết của người dân Việt Nam. Được biết, lượng khách du lịch đến thăm làng lụa những ngày này tăng hơn rất nhiều.

Nhiều khách du lịch tới đây tìm hiểu về 1 nét văn hóa Việt Nam

Để làm nên những sản phẩm tơ lụa đặc sắc, người thợ ở làng lụa xưa nay đều phải thực hiện một quy trình sản xuất công phu bao gồm nhiều khâu như: Tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi... Ngay từ khâu tơ, người thợ không chỉ quấn sợi vào ống đơn thuần mà còn phải chọn sợi, đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ có màu trắng, bóng nhẵn, không sùi lông, trị số tơ phải đều, sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng sợi dọc, sợi ngang.

Những sản phẩm vô cùng tinh tế, tốn nhiều công sức

Chợ hoa không kém phần sôi động

Cách Làng lụa Vạn Phúc không xa là Chợ hoa Vạn Phúc. Đây cũng là điểm đến thường xuyên của người dân để mua những loại hoa, cây cảnh phục vụ cho nhu cầu chơi Tết, như: Đào, quất, hoa lan các loại, trà, hồng, cúc, đỗ quyên… mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Chợ hoa Vạn Phúc luôn tất bật 

Điều đặc biệt của chợ hoa Vạn Phúc là người mua chỉ cần đến đây mua cây là có luôn dịch vụ các loại chậu, giá thể, đất, phân bón và thuốc trừ sâu phục vụ cho nhu cầu trồng, chăm bón cho cây. Bên cạnh đó là không ít những vật dụng, đồ trang trí cho chậu hoa, cây cảnh thêm phần đặc sắc.

Muôn hoa khoe sắc chờ người mua

Vào sâu trong chợ, là khu vực bày đào, quất với muôn hình vạn trạng, mức giá cũng giao động từ vài trăm ngàn cho đến hàng chục triệu đồng, tùy theo "thế" của cây, giống cây và nhiều tiêu chí khác.

Đào, quất cũng vô cùng đa dạng

Ông Đ.T.T chia sẻ: "Năm nào tôi cùng cùng con trai ra chợ hoa Vạn Phúc những dịp sát Tết. Ở đây có nhiều loại cây cảnh từ to đến nhỏ. Đào, quất, bưởi thế, hoa lan … đều có đủ. Giá cả cũng khá ổn định, giá hoa Địa lan cũng chỉ từ 150.000 – 200.000 đồng/cành, Phong lan có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/cành tuỳ cành dài hay ngắn."

Những gốc đào nhỏ có thể lên đến vài triệu đồng

Những gốc đào nhỏ có thể lên đến vài triệu đồng

Dịp Tết năm nay chợ hoa Vạn Phúc có khá nhiều hoa lan hội tụ về đây. Ngoài chơi đào, mai ra người Hà Nội nhiều năm nay thịnh hành chơi lan. Đây là loại hoa có sắc màu rực rỡ, bền, đẹp mang may mắn đến mọi nhà. Bên cạnh lan, đào, quất,... các loại cây trồng khác có giá cũng từ chỉ vài chục nghìn đồng đã có thể mua được 1 cây.

Để ngắm hết hoa, cây cảnh tại đây, có lẽ phải mất đến một ngày...

Trước đây, chợ họp tại đường Nhuệ Giang, cạnh cầu Đen. Chợ có nguồn gốc từ chợ phiên Hà Đông nên cũng họp một tháng 6 phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch hàng tháng. Chợ nằm trọn trong một khu phố sạch sẽ và yên tĩnh. Khi bước tới đây, mọi gấp gáp của cuộc sống thường ngày dường như lùi xa, nhường chỗ cho tâm trạng bình yên pha lẫn rộn ràng trước màu sắc của muôn loài hoa.

Theo Minh Đỗ/ Đô Thị Mới