Di chuyển nạn nhân bị tai nạn không đúng cách sẽ làm tình trạng của họ thêm trầm trọng. Ảnh minh họa
Trong vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Bến Lức, Long An, một số người dân tốt bụng đã lao vào bế người bị nạn đưa đi viện lập tức.
Nhiều người cho rằng, khi gặp nạn nhân bị tai nạn giao thông thì cần ngay lập tức đến bên nạn nhân và tìm cách đưa họ đến cơ sở y tế nhanh nhất để được cứu chữa kịp thời.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế trong một số trường hợp những trường hợp vội vã giúp đỡ người nạn nhân như vậy lại vô tình khiến nạn nhân càng gặp nguy hiểm hơn.
Nguyên nhân là do nạn nhân bị tai nạn giao thông dễ bị chấn thương đầu, chấn thương cột sống, gãy tay chân..., mà không biết nạn nhân bị chấn thương như thế nào mà đã vội vàng di chuyển nạn nhân có thể làm cho tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn.
Nếu tự ý di chuyển nạn nhân chấn thương cột sống, chấn thương phần lồng ngực, cột sống cổ... không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, bác sĩ Trần Anh Thắng- Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, khi gặp người bị tai nạn giao thông cần gọi xe cứu thương nhanh nhất có thể.
Không có bất cứ ngoại lệ nào cho tai nạn giao thông - dù là ai, ở độ tuổi nào, làm ngành nghề gì, sử dụng phương tiện giao thông gì và ở đâu cũng có thể xảy ra những giây phút bất ngờ không kịp xử lý...
Vậy nên cần lưu ý những điều sau đây:
- Khi sơ cứu trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.
- Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
Gặp người bị tai nạn giao thông nên liên hệ ngay với cấp cứu để được trợ giúp. Ảnh minh họa
- Với người có tổn thương chi như gãy xương tay, chân, phải cố định chi gãy. Gãy chi trên thì lấy khăn (có thể là khăn choàng cổ, khăn đỏ..) làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp (có thể tìm những vật dụng cứng: thanh gỗ, bìa cát tông,...) rồi mới đưa đi bệnh viện.
- Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm bệnh nhân thở được (hà hơi, hồi sức); Kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển đến cơ sở y tế.
Bác sĩ Thắng cũng lưu ý thêm rằng, khi tiến hành sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông cần từ 2 - 3 người nâng người bị nạn lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người nạn nhân, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương 115 đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện nếu nhân viên hỗ trợ tại hiện trường có kỹ năng sơ cấp cứu.