Thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 18/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành (quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế hoạch-đầu tư, tư pháp, nông nghiệp nông thôn, thông tin truyền thông, xây dựng, khoa học công nghệ, giáo dục, lao động và thương binh xã hội…), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan báo chí truyền thông…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, Chính phủ ngày càng quan tâm đến phát triển thương mại trong nước. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để đẩy mạnh phát triển bền vững thương mại trong nước.
Vì vậy, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối, kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm…
Dự thảo Chiến lược được đưa ra xin ý kiến tại hội nghị được xây dựng trên cơ sở 2 cuộc hội thảo đã được Bộ Công Thương tổ chức để xin ý kiến về đề cương Chiến lược, đồng thời tiếp thu văn bản góp ý của các bộ, ngành và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các nội dung của Dự thảo.
Theo đó, Dự thảo được chia thành từng giai đoạn cụ thể, đồng bộ về thời gian với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của quốc gia; xây dựng các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho từng giai đoạn.
Đồng thời có định hướng và giải pháp thực hiện phù hợp như: Nhóm giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh theo cam kết quốc tế, Nhóm giải pháp phát triển hạ tầng thương mại, Nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý và điều tiết thị trường, Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thương mại, Nhóm giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi sản phẩm, Nhóm giải pháp hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ...
Các giải pháp và các đề án, nhiệm vụ của Dự thảo Chiến lược hướng tới việc giải quyết được các vấn đề về tổ chức kênh phân phối (truyền thống và hiện đại); về loại hình, phương thức kinh doanh; về kết cấu hạ tầng thương mại; về các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, theo khu vực (thành thị và nông thôn)…, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Dự thảo Chiến lược cũng được xây dựng trên cơ sở phù hợp với các nội dung cam kết với WTO và các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác mà Việt Nam đã và đang ký kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.
Thông qua hội nghị này, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến hữu ích từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như từ các hiệp hội, tổ chức kinh tế-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia… để xây dựng Chiến lược bảo đảm tính toàn diện, với phạm vi rộng và bao quát được hết những vấn đề cơ bản trong phát triển thương mại trong nước, bảo đảm sự tiếp nối phù hợp và thống nhất trong tổng thể định hướng chung về phát triển thương mại trong nước của Việt Nam từ những giai đoạn trước tới nay.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị sẽ được Bộ Công Thương tiếp nhận và tổng hợp, trên cơ sở đó Bộ sẽ hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.