Vì sao “tín dụng đen” còn “đất sống”?
Số liệu của ngân hàng Thế giới (WB), hiện mức độ tiếp cận tín dụng của người dân Việt Nam chỉ khoảng 32%, nhưng tỷ lệ có các khoản vay tại tổ chức tài chính chỉ hơn 18%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 3 người có nhu cầu vay vốn mới chỉ 1 người có thể vay thành công từ các tổ chức tài chính.
Sở dĩ tín dụng đen vẫn còn “đất sống" là do các quy định về đối tượng cho vay của hệ thống ngân hàng còn khắt khe như thủ tục phức tạp, quy trình kéo dài, ưu tiên các khoản vay sản xuất kinh doanh lớn, xuất nhập khẩu hoặc bất động sản...
Riêng với các khoản vay tiêu dùng, nguồn vốn từ các ngân hàng hay các gói hỗ trợ từ Chính phủ lại chủ yếu hướng về các đối tượng từ trung lưu trở lên, nhưng tập trung vào việc cho vay mua nhà, mua xe ô tô.
Dùng CTTC “đẩy lùi” tín dụng đen
Như vậy, có thể thấy các CTTC có vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán tín dụng đen. Tuy nhiên, theo luật sư Đức, do vướng nhiều quy định khắt khe nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính như hạn chế thành lập mới, mở chi nhánh, huy động nguồn vốn, hạn chế khoản tiền cho vay tối đa là 100 triệu đồng… nên các CTTC luôn bị đánh giá là phát triển dưới mức tiềm năng suốt nhiều năm qua. “An toàn là cần thiết, nhưng an toàn quá thì khó phát triển”- Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Luật sư Đức cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần đánh giá đúng và khách quan hơn vai trò của các CTTC, không nên chỉ coi đây là hoạt động tài chính, kinh doanh tiền tệ thông thường, mà nên xem xét cả khía cạnh trách nhiệm xã hội. Hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC cũng cần có những quy định độc lập với hoạt động cho vay của NH; đồng thời cần sự nới lỏng linh hoạt để các CTTC có thể phát huy hết năng lực cũng như vai trò của mình.
Quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để TCTD phát triển bền vững cần nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện với hành lang pháp lý thông thoáng. NHNN cũng nên nghiên cứu kỹ để có một hạn mức tín dụng đủ rộng cho các CTTC phát triển.
Bởi theo thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ room tín dụng, vì đây là mệnh lệnh hành chính (không nên có trong nền kinh tế thị trường) và là rào cản lớn để các TCTD có năng lực chủ động phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Khi cơ hội rộng mở sẽ có thêm nhiều CTTC tham gia vào thị trường, tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Khi đó, người được hưởng lợi là khách hàng và nền kinh tế.
Về phía các CTTC, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, sự nỗ lực thay đổi, tinh giản bộ máy, giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, tăng cường tính minh bạch đối với khách hàng, chú trọng hơn đến khu vực nông thôn và các khách hàng không có căn cứ tài chính… là những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của các CTTC trong tương lai.
Đại diện các CTTC, những tổ chức đang dẫn đầu về tín dụng tiêu dùng hiện nay, cho rằng đẩy mạnh công nghệ tự động hóa quy trình, sáng tạo các sản phẩm mới là mấu chốt để tạo sự khác biệt để cạnh tranh với tín dụng đen.