Ngày 7/6, gần 95.000 thí sinh trên toàn thành phố Hà Nội dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Tuy nhiên, trong cả 2 buổi thi môn Ngữ văn và Toán, đều xảy ra hiện tượng đáng tiếc là để lọt đề thi ra ngoài. Theo đó, chỉ khoảng 60 phút sau thời gian bắt đầu làm bài thi, đề thi các môn đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Phụ huynh lo lắng và bức xúc

Mặc dù tại 2 buổi họp báo cấp tốc vào cuối các buổi thi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều khẳng định đây là sự cố lọt đề, chứ không phải lộ đề thi, do đó sẽ không ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi của thí sinh.

Tuy nhiên không ít phụ huynh bức xúc xen lẫn lo lắng “thấp thỏm không yên”, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì thông tin lọt đề thi.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Khi đứng đợi con ngoài cổng trường, tôi cũng đã thấy trên một số nhóm có đăng tải đề thi môn Ngữ văn vào buổi sáng và tiếp tục là đề thi môn Toán vào buổi chiều. Khoảng hơn 2h một chút đã có một đề thi xuất hiện, nhưng sau đó, được biết đây là đề giả. Còn đề thi xuất hiện lúc hơn 3h chiều qua thì giống hệt với đề thi thật của các con.

Ngay khi biết thông tin, tôi cảm thấy rất lo lắng. Một khi đã có thông tin “tuồn” ra bên ngoài, thì chắc chắn sẽ có một số lượng người biết. Khi đã lan truyền trên mạng, không ai có thể đảm bảo rằng không có thông tin “tuồn” ngược trở lại phòng thi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi của các con. Có thể không có toàn bộ đề thi, thì những bạn nhận được đáp án cũng đã có ưu thế hơn”.

Sau 60 phút sáng 7/6, đề thi Ngữ văn lan truyền trên mạng (trái ảnh) và đề thi chính thức giống hệt nhau.

Sau 60 phút sáng 7/6, đề thi Ngữ văn lan truyền trên mạng (trái ảnh) và đề thi chính thức giống hệt nhau.

Đến chiều cùng ngày, đề Toán lan truyền trên mạng lúc hơn 15h (trái ảnh) cũng giống hệt với đề thi thí sinh mang ra từ phòng thi lúc 16h30.

Đến chiều cùng ngày, đề Toán lan truyền trên mạng lúc hơn 15h (trái ảnh) cũng giống hệt với đề thi thí sinh mang ra từ phòng thi lúc 16h30.

Chị Hằng (quận Cầu Giấy) có con thi tại điểm thi THPT Phan Đình Phùng băn khoăn: “Sáng đã bị lộ đề Ngữ văn rồi, chiều lại thấy phụ huynh ở đây nói là có đề Toán bị lộ trên mạng. Nhưng sau lại nghe bảo đề trên mạng không giống đề chính thức.

Còn nếu mà thật sự đề thi bị tuồn ra ngoài thì cơ quan chức năng phải xác định thời gian xuất hiện đề, lan truyền trên mạng như thế có ảnh hưởng đến sự công bằng trong kết quả thi hay không?”.

Chị Trần Việt Hà (Ba Đình, Hà Nội) đã không giấu được sự thất vọng thất vọng khi nghe tin lọt đề thi: “Đến tận ngày hôm qua, con vẫn học đến nửa đêm. Mẹ xót, nên cũng không ngủ được, thức ôn thi cùng con. Nhưng đến khi đi thi lại xảy ra tình trạng này khiến phụ huynh rất thất vọng và lo lắng.

Chúng tôi đã hy vọng đây là những thông tin giả mạo trên mạng, tuy nhiên, khi có thông tin chính thức, tôi thực sự bất ngờ. Một kỳ thi lớn, sao có thể xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy? Các con học ngày học đêm, hy vọng có công mài sắt, có ngày nên kim”, nhưng lại xảy ra vấn đề này khiến tôi lo ngại có gian lận, ảnh hưởng đến sự nghiêm túc của kỳ thi”.

Đồng quan điểm, anh Tô Danh Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, các thiết bị truyền tin thông minh phổ biến, đề thi một khi đã bị lộ hay lọt sẽ nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Điều này trước hết ảnh hưởng đến tâm lý của cả thí sinh và phụ huynh, rằng kết quả cuối cùng có phải là thực chất và đánh giá đúng năng lực của thí sinh?

Theo dõi thông tin đại chúng, biết được việc một thầy giáo đã đưa đề thi ra ngoài, anh Hiếu càng tỏ ra thất vọng hơn nữa. “Dù không biết lý do là gì, nhưng đây rõ ràng là việc sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng nghìn thí sinh dự thi năm nay”, anh Hiếu bức xúc.

Anh Đỗ Minh, có con thi tại điểm thi THPT Yên Hoà (Cầu Giấy) thẳng thắn: “Nếu lọt đề thi Sở Giáo dục phải chịu trách nhiệm, lực lượng an ninh trường nào cũng vòng trong vòng ngoài mà sao vẫn để xảy ra hiện tượng này. Theo tôi cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh tạo tiền lệ xấu”.

Lộ, lọt đề làm mất đi tính công bằng của kỳ thi

Liên quan đến sự việc để lọt đề thi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: Vấn đề quản lý đề thi, người ra đề trong quy trình của giáo dục làm rất chặt chẽ nhưng trong tổ chức thực hiện do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, do sự chi phối nhiều tác động nên có nhiều đối tượng giáo viên, người quản lý có để lộ lọt đề ra ngoài.

Điều này không chỉ xảy ra một lần, một nơi. Tình trạng này sắp tới có thể sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.

Chuyện lộ lọt đề thi do giáo viên là chuyện cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn tới học sinh, phụ huynh. Bản thân phụ huynh, học sinh luôn có tâm trạng lo lắng lộ lọt đề thi thì tính minh bạch, công bằng của kỳ thi sẽ mất đi.

Những vị trí của học sinh giỏi lại bị thay thế bằng học sinh yếu, trung bình làm cho xã hội bất bình, tạo dự luận xấu với ngành giáo dục. Do đó, ngành Giáo dục phải đặc biệt chú ý đến việc tổ chức thi, ra đề thi, chọn người quản lý, triển khai kỳ thi chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bên hành lang Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bên hành lang Quốc hội

Cũng theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, khi lộ đề thi thì tất cả giáo viên và người quản lý đều bị xử lý, không có trường hợp nào là không bị xử lý, kể cả xử lý buộc thôi việc, cách chức quản lý, cho thôi giảng dạy làm vị trí khác, từ xưa đến nay đều xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, mức độ xử lý nghiêm nhưng lộ đề vẫn cứ lộ là do nhận thức về vấn đề này còn hời hợt, cho rằng việc mình làm còn ẩn nấp được. Thời gian tới, cần phải quản lý chặt chẽ việc chọn người ra đề, quản lý đề. 

Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Thứ nhất là người đứng đầu ở lĩnh vực tại Bộ, sở hay phòng giáo dục phải quản lý chặt chẽ.

Thứ hai bản thân người chủ trì tổ chức thi phải có tư tưởng hưởng đến lợi ích chung, uy tín của ngành để quản lý thật chặt, việc lộ, lọt đề là trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ ba là trách nhiệm của cán bộ từng vị trí, bộ môn nhiều khi vẫn có tư tưởng chạy theo mục đích của cá nhân mà quên đi lợi ích chung, uy tín của ngành giáo dục.

Cùng góc độ việc để lộ lọt đề thi đều có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng kỳ thi, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Dù là lọt đề hay lộ đề vẫn là việc không hay liên quan đến quá trình bảo mật của kỳ thi. Trong quá trình thi, việc lọt để ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh và gây ra sự nghi ngờ trong dư luận là tổ chức của kỳ thi chưa thực tốt. Đây là việc cần rút kinh nghiệm và tăng cường phổ biến quy chế cho đội ngũ giám thị thực hiện đúng trách nhiệm, giảm thiểu sai phạm, sơ suất, nhất là trong những kỳ thi gây áp lực căng thẳng khá lớn cho phụ huynh, học sinh”.

“Bản thân kỳ thì số lượng thí sinh, điểm thi, phòng thi, giám thị coi thi rất lớn nên xác suất có thể xảy ra điều không mong muốn có thể xảy ra. Khi đã xảy ra sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải xem lại các quy chế, quy định đã đủ chặt chẽ hay chưa, xử lý đủ nghiêm khắc chưa phải rút kinh nghiệm để sửa đổi quy chế cho phù hợp cho các kỳ tuyển sinh sau,” ông Phạm Tất Thắng nói.

12h15 ngày 7/6, ngay sau khi buổi thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 tại Hà Nội kết thúc, Sở Giáo dục và Đào tạotổ chức họp báo đột xuất.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạoxác nhận thi sau khi tính giờ làm bài của buổi thi môn văn được 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn ngữ văn. Sau khi nhận được phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạoHà Nội đã phối hợp ngay với Công an Hà Nội xác minh.

Bước đầu Sở Giáo dục và Đào tạoHà Nội khẳng định có hiện tượng lọt đề thi, nhưng việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của thí sinh.

Tương tự như buổi sáng buổi chiều ngày 7/6, khoảng 60 phút sau khi tính thời gian làm bài, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Toán vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội. Thông tin lọt, lộ đề thi khiến không ít phụ huynh, thí sinh hoang mang.

Ngay sau khi kết thúc môn thi Toán, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gấp rút tổ chức cuộc họp báo thứ 2 trong ngày để thông tin chính thức về vụ việc này.

Theo đó, tại buổi họp, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác nhận việc lọt đề thi môn Toán là có thật.

“Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với công an Thành phố Hà Nội xác minh hiện tượng trên và đã xác minh được giáo viên Nông Hoàng Phúc, trường THCS Mai Đình - Sóc Sơn là cán bộ coi thi số 2 mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội", ông Quang thông tin.

Cán bộ này đã khai nhận hành vi của mình và nhận có chụp ảnh đề thi môn Ngữ văn và đề Toán trong ngày thi tuyển sinh lớp 10.

Ông Quang khẳng định, đây là hiện tượng lọt đề thi, việc này không ảnh hưởng đến kết quả làm bài của các thí sinh.

“Trong quá trình quán triệt quy chế thi, chúng tôi đã phổ biến cho các giáo viên và thí sinh rất kỹ về quy chế thi, tuy nhiên, nửa buổi thi sáng nay lại phát hiện ra chuyện lọt đề thi. Đây là chuyện hy hữu, bây giờ mới có. Chúng tôi không hiểu tại sao. Chúng tôi nhận trách nhiệm trong việc này và quyết tâm ngăn chặn các hành vi gian lận, quyết xử lý nghiêm”, ông Quang cho biết.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng khẳng định đây là sai phạm nghiêm trọng, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TP Hà Nội để điều tra mở rộng những đối tượng nhận được đề thi và có liên quan trong sự việc này.

Theo congly.vn