Món quà bằng “cây nhà lá vườn”
Là một giáo viên gắn bó hơn gần 15 năm với nghề giáo, cô giáo Đặng Thị Anh Phương – giáo viên trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mỗi lần kể về câu chuyện 20/11, trong lòng cô vẫn lâng lâng cảm xúc. Được biết, những món quà cô nhận được chỉ là củ sắn, củ khoai, cân gạo hay lít nước mắm nhưng đã không ít lần khiến cô rưng rưng nước mắt.
Cô Phương chia sẻ: “Cách đây 8 năm, tôi dạy ở một trường miền núi của tỉnh, có một cô học trò vì nhà xa, mùa đông về qua cánh đồng rất lạnh. Mỗi lần về đến nhà cũng đã 7 giờ tối, thấy vậy, tôi đã xin phép bố mẹ em cho em ở cùng. Hàng ngày đi học về, cô ăn gì trò ăn nấy, ba năm cấp ba, cô bé sống với tôi. Cứ ngày 20/11 hay ngày lễ, ngày tết đến, bố mẹ cô bé biếu một con gà, mớ rau cải, có năm thì biếu yến gạo”.
“Cho đến bây giờ, khi cô học trò đó đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ là tôi nhận được ít gạo mà bố mẹ cô học trò cũ cô gửi ra”, cô Phương kể.
Với hai vai trò, vừa là người lính, vừa là người thầy, gần 26 năm là lính biên phòng, cũng ngần ấy năm, Trung tá Mai Văn Sơn - Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hải Vân Đà Nẵng cần mẫn đi mở lớp xóa mù chữ, tình nguyện đứng lớp, dạy kiến thức cho hàng nghìn người dân.
Khi chia sẻ về câu chuyện Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Sơn cho biết, đôi khi mình nhận được chỉ là những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn", mớ rau, nải chuối, củ sắn nhưng ấm áp vô cùng.
“Mọi năm, ngày Nhà giáo Việt Nam, thấy hoàn cảnh của học sinh khó khăn quá, chúng tôi vẫn đi vận động quyên góp gạo, vật chất để tặng gia đình phụ huynh, để học trò đỡ vất vả mưu sinh, có thời gian đến lớp. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là sự trưởng thành của học sinh”, thầy Sơn nhấn mạnh.
Con đi làm rồi, mẹ vẫn đi quà cô giáo
Năm nay đã 55 tuổi, thế nhưng những ngày cận kề 20/11, bà Trần Thị Hồng (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn tranh thủ đến nhà các cô giáo của con mình hỏi thăm và thay con gửi những lời chúc đến các thầy cô.
Bà Hồng chia sẻ: “Hồi xưa ở quê, gia đình tôi thuộc diện khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên việc ba đứa con cùng đi học một lúc là rất khó khăn. Khi đó, các thầy cô thấy đứa con đầu của tôi học tốt và ngoan nên đã cho ở nhờ ký túc, rồi rèn luyện cho nó học để nó đỗ đạt trường này, trường nọ. Giờ con tôi đã là một dược sĩ, tôi phải cảm ơn các thầy cô rất nhiều”.
Bà Hồng cho biết, để tỏ lòng biết ơn với những người ra dìu giắt con mình lúc còn bé, hàng năm cứ đến dịp 20/11, bà lại chuẩn bị một ít trứng gà hay cân gạo của nhà đến tặng thầy cô.
“Trước khi chưa có điều kiện thi tôi củ sắn, củ khoai, giờ cũng vậy nhưng chỉ khác là tay có cầm thêm một bông hoa”, bà Hồng chia sẻ thêm.
Được biết, hiện nay con bà Hồng đã ngoài 30 tuổi, cuộc sống đầy đủ, bà không còn cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, bà lại dùng những thứ do mình tự trồng để đến nhà tri ân cô giáo cũ.
Hay chị Thanh Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nhớ khi còn học phổ thông, ngày này đâu chỉ là ngày của các thầy cô, mà của chính những cô cậu học sinh nữa. Sáng sớm ngày 20/11, sau khi hết giờ mít tinh ở trường, chúng tôi lại thi nhau đạp xe đến nhà cô giáo, đoàn này đoàn khác vui như trẩy hội. Cứ như vậy cho đến hết ngày”.
Giờ đây, phụ huynh chỉ nghĩ phải có phong bì dày, phải có những món quà đắt, chỉ với mục đích để thầy cô quan tâm con mình hơn, học xong rồi thì thôi. Liệu có mấy phụ huynh từng thẳng thắn tâm sự với giáo viên, lắng nghe những khó khăn, cực nhọc mà giáo viên phải trải qua trong quá trình dạy học chưa? Hay chỉ biết đòi hỏi giáo viên phải làm mọi thứ cho con mình.
Các bậc cha mẹ đã đặt tâm lý của mình vào giáo viên những lần con hư, con không nghe lời thầy cô phải dỗ dành, thuyết phục như thế nào chưa? “Món quà dù to hay nhỏ cũng là thứ để động viên thầy cô, nhưng hơn ai hết, thầy cô vẫn luôn muốn được lắng nghe, được thông cảm và thấu hiểu từ phụ huynh. Tôi nghĩ đó là món quà vô giá mà bất kỳ giáo viên nào cũng mong muốn nhận được hơn là vật chất”, chị Hải tâm sự.