Khoảng thời gian khi ngôi nhà gỗ này được rục rịch xây dựng, TP. Hà Tĩnh vốn yên bình bỗng trở nên xôn xao. Những cột gỗ to lớn, hoành tráng, cho đến những khối gỗ được chạm trổ cầu kì trong ngôi nhà tọa lạc ở mặt đường Trần Phú khiến ai nấy đều phải tò mò và trầm trồ ngợi khen.
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Lân (75 tuổi), từng là chủ doanh nghiệp, cho biết để ngôi nhà được “lớn lên” như hiện tại, đối với ông là cả một câu chuyện dài.
Ông Lân ấp ủ ý tưởng làm nhà gỗ từ lâu, bởi trong tâm niệm của mình, ông luôn cho rằng, chất liệu gỗ tượng trưng và thấp thoáng dáng hình của cội nguồn. Tuổi già muốn sống an nhàn sau những tháng năm trai trẻ sóng gió, theo ông một ngôi nhà gỗ mát mẻ, rộng rãi là không gian thoải mái, lý tưởng nhất. Bên cạnh đó, nó còn nhắc nhớ ông Lân về gốc gác, tổ tiên của mình.
Cũng chính bởi vì lý do và ước muốn hết sức đặc biệt như thế, mà ông Lân quyết tâm bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà.
Nhưng do một phần vì ông quá bận rộn với nhiều công việc, phần vì khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, đa số ông đều nhận được câu trả lời là ngôi nhà khó có thể xây dựng. Khi tuổi đã an nhàn, ước mơ sống trong một ngôi nhà gỗ vẫn không nguôi, ông quyết tâm thực hiện.
Đầu năm 2015, ông Lân mua 600 khối gỗ của người Lào, trong đó có 22 cột gỗ sao xanh, cao 28m, đường kính lớn nhất là 95cm, sau đó thuê xe chở về Việt Nam. "Tập kết gỗ tại TP. Hà Tĩnh, tôi trình báo với Chi cục Kiểm lâm để họ đến kiểm tra, khi được xác định là hợp pháp, tôi mới triển khai nhân lực làm", ông Lâm chia sẻ.
Xác nhận thông tin này, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, số gỗ dựng nhà được nhập khẩu từ nước ngoài về, có hồ sơ đầy đủ và được sử dụng hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Lân chọn miếng đất rộng 10x18m bên quốc lộ 1A, ở trung tâm TP. Hà Tĩnh làm nơi ngôi nhà tọa lạc. Theo chia sẻ của ông Lân, để xây dựng ngôi nhà này rất khó khăn.
Ông đã liên lạc cho khá nhiều thợ xây dựng, tuy nhiên họ đều lắc đầu từ chối. Người thì bảo nếu 3 tầng còn có thể làm, người thì cho rằng miếng đất có diện tích quá nhỏ, hai bên lại là nhà dân nên không dám nhận lời. Chỉ cho đến khi gặp được một người thợ ở Nam Định, họ đã thuyết phục ông Nguyễn Văn Lân rằng sẽ làm được nên ông tin tưởng và hợp tác.
Chủ nhân ngôi nhà cũng cho biết, với những khối gỗ lớn, phải làm thí nghiệm trước. Ông cho thợ xẻ gỗ thành cột, phơi mưa nắng suốt 3 tháng, sau đó kiểm tra lại, nếu gỗ vẫn thẳng thì mới quyết định bắt tay vào làm. Kết quả nằm trong dự tính, gỗ không hề cong và hư hỏng khi đem phơi giữa thời tiết khắc nghiệt.
Cuối tháng 4/2015, ông Lân cho dựng hai cột gỗ đầu tiên. Theo ông, đây là giai đoạn khó khăn nhất, phải huy động nhiều máy cẩu để giữ cột và ghép các xà nối lại với nhau. Theo quan sát của PV Reatimes, chỗ ngôi nhà tọa lạc đất hẹp, đường xá tấp nập, nên việc xoay trở các khối gỗ hết sức khó khăn.
Ngôi nhà có 5 tầng, được dựng bằng gỗ sao xanh. Theo ông Lân, đây là loại gỗ rất bền, bên Lào và Thái Lan thường dùng để đóng thuyền, để mấy trăm năm cũng không vấn đề gì.
Phía bên trong, ngoài việc có nhiều cột gỗ to lớn để chống đỡ ngôi nhà, những khối gỗ nhỏ cũng được chạm khắc họa tiết cầu kỳ, bắt mắt. Nội thất và vật dụng trong nhà hầu hết cũng được làm bằng gỗ để hài hòa với kiến trúc tổng thể.
Với mục đích hướng về nguồn cội, ngoài lựa chọn chất liệu gỗ một cách kỹ càng, ông Lân cũng không quên việc điểm xuyết cây cỏ và nước. Ông cho trồng nhiều loại cây để tỏa bóng mát cũng như giúp ngôi nhà bớt đơn điệu. Bên cạnh đó, ông khéo léo thêm thắt các hòn non bộ nước chảy róc rách, cá bơi lội để khiến không gian ngôi nhà thêm tươi mát.
Hiện tại, 3 tầng dưới được gia chủ dùng để kinh doanh; tầng 4 và 5 dành cho gia đình. Cường độ hoạt động của ngôi nhà khá lớn nên ông Nguyễn Văn Lân đặc biệt chú ý tới sự an toàn tính mạng con người. Hệ thống đường điện của nhà được lắp bằng các dây chống cháy nổ hiện đại, khi xảy ra sự cố thì lập tức nó sẽ tự ngắt theo từng quãng.
Cuối tháng 8/2018, khi ngôi nhà được hoàn thành khang trang và đưa vào sử dụng, lập tức nhận được nhiều ý kiến khen, chê. Ông Lân chia sẻ, bản thân ông đều đón nhận và cảm ơn mọi ý kiến đó. Nhưng ông hoàn toàn hài lòng với ngôi nhà hiện tại của mình, bởi theo ông, ngôi nhà chứa đựng tâm huyết, ước mơ đầy thiêng liêng của mình. Ông xây nhà gỗ này để làm đẹp cho quê hương chứ hoàn toàn không hề có ý định phô trương tài sản.
Thục Anh