Chia sẻ tại Họp báo quý IV/2020 của Bộ Xây dựng diễn ra mới đây, ông Hà Quang Hưng – Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, sửa chữa lại nhà chung cư cũ đang được nghiên cứu sửa đổi nhằm đưa ra những phương án hữu hiệu.

Tuy nhiên, hiện nhà chung cư cũ đang tồn tại 3 nguyên nhân chính khiến cho việc xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư tương đối khó khăn.

Thứ nhất là các nhà chung cư cũ hiện nay tập trung chủ yếu trong các khu vực nội đô của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng. Mà vùng nội đô này luôn gặp những vướng mắc đến từ chỉ tiêu xây dựng, quy định về tầng cao, chỉ tiêu dân số, dẫn đến việc quy hoạch lại các khu chung cư cũ rất khó khăn.

Thứ hai, nguồn lực của các chính quyền địa phương trong việc là bố trí di dời, tái định cư các hộ dân ở trong các khu vực này rất hạn chế.

Thứ ba, các nhà chung cư cũ có thời gian đưa vào sử dụng rất lâu do đó vấn đề về tính sở hữu trong các nhà chung cư cũ cũng rất phức tạp. Trong một chung cư cũ, có thể có trường hợp sở hữu Nhà nước, một phần sở hữu thuộc Nhà nước, hay sở hữu cá nhân, sở hữu tập thể cho nên để lựa chọn được một hình thức cải tạo lại nhà chung cư hay lựa chọn lại được chủ đầu tư rất khó khăn.

Trước những nguyên nhân cơ bản trong việc xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng trong thời gian vừa qua cũng đã tiến hành hai hội nghị, hội thảo cùng UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM để tìm ra được các giải pháp đảm bảo tính khả thi trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng khẳng định, cố gắng trong năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý cơ bản, sau đó tiếp tục sửa đổi Luật Nhà ở để có hành lang pháp lý rộng hơn, sẽ dễ hơn trong cải tạo, sửa chữa chung cư cũ.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay có 1.579 tòa chung cư cũ xây dựng trong giai đoạn 1960-1980. Phần lớn số chung cư này đã hết niên hạn sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhưng việc sửa chữa, cải tạo, xây mới gần như dậm chân tại chỗ do vướng cơ chế chính sách.

Hiện việc cải tạo chung cư cũ đang được thực hiện theo mô hình người dân đợi chủ đầu tư đến xây dựng, cải tạo lại. Trong quá trình này thường xảy ra mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp dẫn đến tiến độ đang rất chậm, người dân vẫn tiếp tục phải sống trong chung cư xuống cấp nguy hiểm.

TS.KTS Nguyễn Cao Lãnh thông tin, trên thế giới, nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ứng dụng mô hình Cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo chung cư cũ. Trong mô hình này, người dân cùng với chính quyền và các nhà khoa học tiến hành tổ chức cải tạo chung cư cũ. Khi thực hiện sẽ không có mâu thuẫn giữa lợi ích của cư dân với nhà đầu tư, bởi họ là nhà đầu tư cho chính căn hộ của mình.

Thấy được sự phù hợp của mô hình này với điều kiện Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ còn chậm và chưa hiệu quả, trường Đại học Xây dựng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Đại học Xây dựng (Nucetech) đã quan tâm nghiên cứu mô hình này. “Đây là một chương trình trọng điểm dài hạn của trường Đại học Xây dựng nhằm biến những nghiên cứu thành khoa học thành ví dụ thành công trong thực tế” - TS.KTS Nguyễn Cao Lãnh nhấn mạnh.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nam-2021-se-co-hanh-lang-phap-ly-cai-tao-chung-cu-cu-52377.html