Trong báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội quý IV và năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%.

Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, cả nước có 159,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.521,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.052,6 nghìn lao động, tăng 7,2% về số doanh nghiệp, giảm 4,4% về vốn đăng ký và tăng 7,3% về số lao động so với năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với năm trước, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của hơn 46 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn là 2.036,6 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8%.

Bên cạnh đó, còn có 58,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,4% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, năm 2023 có 1.776 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 9,3% so với năm 2022; 38 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,8%; 119,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 8,3%.

Ở chiều ngược lại, năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về đổi mới sáng tạo, trong năm 2023, cả nước hiện có khoảng 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương và các trung tâm thuộc các cơ quan, đoàn thể Trung ương; hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có hơn 200 khu làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo và hàng trăm quỹ đầu tư; hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm.

Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) , chỉ số GII của Việt Nam năm 2023 xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022; trong khu vực ASEAN chỉ số GII của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực xếp hạng sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43).

Chi nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với năm trước; chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2; chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật xếp vị trí 94, giảm 11 bậc.

Theo kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nam-2023-moi-nguoi-viet-lam-ra-gan-200-trieu-dong-84308.html