Do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19 thứ tư, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Thế nhưng, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp được dự báo tiếp tục tăng khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, để đón làn sóng này, các khu công nghiệp phải thích ứng với yêu cầu mới.

Cụ thể, theo các chuyên gia, nhiều khu công nghiệp ở các “vùng trũng”, ngoài vị trí kém hấp dẫn, hạ tầng và khả năng kết nối hạn chế, một lý do quan trọng khác khiến tỷ lệ lấp đầy và giá thuê thấp là do chưa đề cao việc nắm bắt nhu cầu khách thuê. Do đó, vấn đề lúc này của các khu công nghiệp ở các vùng trũng là phải nâng cấp, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của khách thuê.

Song song đó, ngoài những yếu tố về hạ tầng điện nước, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU rất quan tâm tới những khu công nghiệp bền vững cũng như hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp như hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, khu nhà ở dành cho lao động, khu tiện ích phục vụ cuộc sống.

Nâng chuẩn các khu công nghiệp để thu hút đầu tư
Nâng chuẩn các khu công nghiệp để thu hút đầu tư

Đồng thời, giữ giá thuê đất khu công nghiệp ổn định, tránh làm xáo trộn tình hình, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài. Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia Kinh tế) từng chia sẻ: "Giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh là trở ngại cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp nội muốn mở rộng mặt bằng để phát triển kinh doanh.

Kịch bản của bất động sản khu công nghiệp phụ thuộc vào nền kinh tế. Trong khi đó, màu sắc của nền kinh tế lại chịu ảnh hưởng của tình hình chống dịch. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế có điều kiện phục hồi, bất động sản sẽ có tín hiệu tích cực tăng trưởng và bất động sản khu công nghiệp cũng có cơ hội để phát triển dư địa tăng trưởng. Ngược lại, nếu dịch bệnh bùng phát phát, bất động sản khu công nghiệp sẽ chịu tác động liên hoàn từ sức khoẻ yếu của nền kinh tế".

Vì vậy, để phát triển khu công nghiệp đạt hiệu quả cao thì công tác nghiên cứu lợi thế địa chính trị, hạ tầng giao thông, nguồn nhân công và nguyên liệu, khả năng kết nối các dòng logistics của khu vực hay chuỗi sản xuất của từng ngành nghề… phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.

Đánh giá về đóng góp của khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu...

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế hạn chế. Đó là quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển; khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội, môi trường...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2021, đã có 394 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121.900ha.

Trong số 394 khu công nghiệp được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86.000ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57.300ha và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.900ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23.600ha.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện gồm: vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó, đối với vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước có 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%.

Ngoài ra, có 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.

Trước đó, tại Hà Nội, UBND TP đã có một số biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. 

Cụ thể, về giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên), UBND thành phố giao các sở, ban, ngành liên quan, UBND huyện Phú Xuyên tập trung chỉ đạo, khẩn trương có văn bản trả lời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp này giai đoạn 1; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố rà soát kỹ mục tiêu thu hút đầu tư năm 2021; tập trung đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 2, gắn với công tác xúc tiến đầu tư chung của thành phố.

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 1630/UBND-KT về triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TU ngày 10/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc kiểm tra công tác quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 1630/UBND-KT về triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TU ngày 10/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc kiểm tra công tác quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Liên quan đến thu hút vốn đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở Công Thương và sở, ngành liên quan căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu cấp thiết về vệ sinh môi trường, mở rộng sản xuất tại các làng nghề của địa phương, tổ chức rà soát quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố cập nhật vào chương trình xúc tiến đầu tư chung của thành phố; kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất của các tổ chức, cá nhân và nâng cao công tác bảo vệ vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.

UBND thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu xây dựng các bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm làng nghề khu vực phía Nam Hà Nội; triển khai đề án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (huyện Phú Xuyên) bảo đảm chất lượng, đúng quy định.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nang-chuan-cac-khu-cong-nghiep-thu-hut-dau-tu-20201231000003676.html