Hai đợt bùng phát đại dịch Covid-19 đã tác động trực diện, sâu rộng đến nền kinh tế; sản xuất kinh doanh đình trệ, đặc biệt là dịch vụ, vận tải, lưu trú và các DN phụ thuộc vào xuất khẩu...; việc làm, thu nhập người lao động suy giảm nghiêm trọng.
Các tổ chức quốc tế và trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong khoảng từ 1,5 - 3,3%. Tuy nhiên, với nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành các chính sách kích cầu nội địa, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ, kinh tế quý III-2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Theo đó, Việt Nam có các yếu tố thuận lợi như: Tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên dự kiến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quý IV; khu vực sản xuất có những tín hiệu khả quan, xu hướng kinh doanh của DN được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất; chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia và vùng lãnh thổ; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế… Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước ước tính tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam từ 2,5 - 3%.
Năm 2021, các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, với mức từ 6,3 - 11,2%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục trở lại, nhưng đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản.
Kịch bản 1, nếu dịch bệnh trong nước tiếp tục được kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi sẽ kéo theo các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa nhanh chóng khôi phục trở lại.
Kịch bản 2, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế và chịu ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên cơ sở dự kiến các kịch bản những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của dịch; triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ DN và người dân.
Bên cạnh đó, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; giải ngân vốn đầu tư công.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các DN có vốn đầu tư Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.