Cụ thể, nhóm ngành này đã đạt mức tăng trưởng 6.3% - đây được ghi nhận là mức tăng trưởng cao nhất trong suốt 3 năm vừa qua của FMCG.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 5.2%.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.
Các chỉ số bán lẻ này thể hiện nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Danh mục sản phẩm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh
[1] Đồ uống bao gồm: Bia, nước giải khác, nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước lọc đóng chai, Tonic Food Drink, nước trái cây, trà túi lọc, trà chai, cà phê chai, cà phê
[2] Thực phẩm bao gồm: Bánh quy, bánh & bánh xốp, snack, dầu ăn, mì ăn liền, tương ớt, kẹo gum, thành phần cho bữa ăn chuẩn bị sẵn, bouillon - MSG
[3] Sữa bao gồm: Sữa bột, yagourt, sữa đặc có đường, sữa hộp/chai
[4] Sản phẩm chăm sóc gia đình: Bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước lau chùi nhà cửa, sản phẩm chai xịt diệt muỗi/gián, nhang chống muỗi, khăn giấy dùng trong nhà vệ sinh
[5] Sản phẩm chăm sóc cá nhân: Sản phẩm chăm sóc mặt, dầu gội, dầu xả, dầu tắm, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn giấy lau mặt, sản phẩm chăm sóc phụ nữ, nước súc miệng, chất khử mùi, kem dưỡng da
Theo báo cáo, sự phục hồi tăng trưởng đã diễn ra ở hầu hết các ngành hàng như: thực phẩm (4.7%), sữa (4.0%), sản phẩm chăm sóc gia đình (4.6%)…
Điều đáng chú ý là ngành hàng nước uống (bao gồm bia) vẫn là ngành hàng có đóng góp lớn nhất cho toàn bộ doanh số tiêu dùng nhanh trong quý II vừa qua với 41% - đạt mức tăng trưởng 9.2% (chủ yếu đến từ tăng sản lượng 6.9%).
Về thị trường phát triển, khu vực nông thôn vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường tiềm năng mới cho các nhà sản xuất.
Theo đó, mức tăng trưởng của 12 tháng gần nhất (tính từ tháng 6/2015 đến hết tháng 6/2016) tại thị trường nông thôn đạt mức 7.6%, mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý II/2016 ở mức 5.6%.
Trong khi đó, khu vực thành thị cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại ở mức 6.3% trong quý II.
Ở cả 2 khu vực đã phát ra dấu hiệu tích cực khi sự tăng trưởng đều đến từ tăng trưởng sản lượng.
“Dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam vào khoảng 68% của 90 triệu dân, nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn.
Điều này cho thấy tiềm năng của khu vực nông thôn còn rất nhiều”, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận định.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua hàng của người tiêu dùng nông thôn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ sự giới thiệu của gia đình và bạn bè, người tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam cũng có những phản ứng tích cực từ các khuyến nghị của các nhà bán lẻ.
Theo đó, 9 trong 10 (90%) nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ gần 1 trong 3 người mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ (31% khách hàng mua sản được đề nghị bởi các nhà bán lẻ).
Như vậy, với khoảng 27,5 triệu người mua sắm thường xuyên ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu.