Các xe ô tô lớn nhỏ từ nhiều nơi trên cả nước nối đuôi nhau nhích từng cm khiến nhiều người cảm thấy ngán ngẩn. Anh Ngô Thanh Tùng (Quảng Trị) đi từ đêm tới 11h sáng mới tới Cát Bà, nhưng lại phải chờ thêm gần 5 tiếng mới ra tới đảo. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do, du khách phải đi tàu mới sang được đảo Cát Bà nên việc di chuyển khó khăn và lâu hơn so với ở trên đất liền.
Cảnh sát giao thông được tăng cường để phân luồng, đảm bảo an ninh nên tình trạng chen lấn không xảy ra. Các phương tiện chấp hành nghiêm sự điều phối của lực lượng chức năng.
Do phải chờ đợi quá lâu nên nhiều du khách đã lựa chọn đi bộ ra bến cảng. Đây cũng là phương án di chuyển duy nhất và nhanh nhất để sang tới đảo Cát Bà. Lúc này, nhiều dịch vụ ăn theo đã nổi lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, nhiều người dân đã tranh thủ đem xe máy ra chở khách với giá 20 nghìn đồng/người/lượt; các xe đạp bán nước di động cũng xuất hiện để phục vụ nhu cầu của người dân.
Thời điểm này cũng có khá nhiều khách du lịch nước ngoài chọn Cát Bà là điểm đến lý tưởng cho gia đình. Họ cũng chọn hình thức đi bộ ra cảng thay vì ngồi trên xe chờ đợi vài tiếng đồng hồ.
Cát Bà là một hòn đảo đẹp và thơ mộng, nằm ở độ cao trung bình 70m so với mực nước biển (dao động trong khoảng 0–331 m). Trên đảo này có thị trấn Cát Bà ở phía đông nam (trông ra vịnh Lan Hạ). Thời gian này, tình trạng đeo bám, tăng giá các dịch vụ không phổ biến nhưng vẫn có, nhất là tình trạng xe ôm tiếp cận các xe du lịch mới đến Cát Bà để giới thiệu phòng nghỉ để "ăn chia".