“Thiên la địa võng” định giá mít của thương lái
Ông Hai Dương (Trần Văn Dương) - chủ vườn mít Thái ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: Từ cuối tháng 3 đến nay giá thu mua mít "nhảy múa loạn xạ", khiến nhà vườn lo lắng. Thương lái đi vô vườn thu mua mít Thái bày ra đủ thứ chiêu trò để o ép nhà vườn, chủ yếu sử dụng chiêu đánh rớt chất lượng để ép giá thu mua xuống thấp. Khắp vùng quê Cai Lậy, Cái Bè, đi đến đâu cũng nghe nhà vườn ta thán vụ giá cả, chất lượng trái mít.
“Lúc loại trái cây đặc sản này mới xuất hiện, thương lái thu mua mít theo 3 loại: Loại 1, trái mít nặng trên 9 kg; loại 2, trái nặng từ 7 kg đến 9 kg; loại 3, từ 5 kg đến 7 kg/trái. Giá thu mua mỗi loại chênh lệch nhau từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. Hồi đó, đất trồng mít còn ít, người mua nhiều, nên thương lái luôn o bế nhà vườn để được độc quyền thu mua, giá mít có lúc lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Còn bây giờ nhìn đâu cũng thấy mít Thái, thương lái tha hồ o ép giá cả, chất lượng, vì nhà vườn không bán cho họ thì biết bán cho ai ?”, ông Dương bày tỏ.
Ví như với trái mít loại 1, thương lái dùng nhiều chiêu như: Hột quá nhiều, chín héo trên cây, trái hơi bị lép, không đẹp… để ép rớt xuống loại 2, loại 3 (chênh lệch 5.000 đồng/kg mỗi loại). Thậm chí, thương lái còn ép giá từ mít loại 1 xuống mít loại hàng chợ, giá 1.000 đồng/kg (loại không xuất khẩu được, chỉ bán nội địa ở các chợ). Còn với mít loại 2, loại 3, phần nhiều thương lái tìm cách chê bai, để làm rớt chất lượng xuống mít kem (mít bán làm kem) giá thu mua tại vườn chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Nếu chủ vườn nào cự nự, thắc mắc, thương lái sẳn sàng cho những trái mít của họ xuống hàng mít chợ hoặc “mít bi”, mít dạt là loại mít bét nhất, chỉ thu mua theo từng mớ vài chục ngàn đồng, 100.000 đồng mà không cần cân ký.
Ông Phạm Thanh Cường, chủ vườn mít ở xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) chia sẻ: Thương lái còn có một chiêu trò khác, họ vào vườn lựa mít, bắt chủ vườn cắt mít mang xuống đất, vạt mặt xem rồi mới định chất lượng, giá cả. Khi đó nhà vườn không bán cũng không được.
Cùng cảnh ngộ trên, ông Bùi Ẩn, chủ vườn mít Thái rộng hơn 5.000m2 ở xã Đông Hoà Hiệp (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cũng vừa bị ép giá từ mít loại 1 xuống mít kem.
“Thương lái vào vườn bảo tôi cắt mấy chục trái xuống để vạt mặt trái, định chất lượng. Rõ là mít của tôi được loại 1 mà họ chê bai để ép xuống loại kem (3.000 đồng/kg). Lỡ cắt mít xuống rồi, tôi bóp bụng đống mít 300 kg có được 900 ngàn. Một trái mít từ khi đậu quả đến khi bán được mất công chăm sóc hơn 4 tháng, chi phí 4.000 - 5.000 đồng/kg, vậy mà họ chỉ mua mít kem giá 3.000 đồng/kg”, ông Ẩn nghẹn ngào kể.
Chia sẻ lý do tại sao nhà vườn và lái mít không thỏa thuận chất lượng, giá cả khi xem mít rồi hãy cắt xuống đất hoặc nhà vườn tự chở sản phẩm đến vựa để không bị ép giá, ông Cường cười buồn: “Nếu không cắt xuống, các thương lái đồng lòng không mua, cả vườn mít chín rục, nhà vườn trắng tay, nên ai cũng ngán họ. Tôi và nhiều người khác đã thử chở mít đến vựa, nhưng khi chở mít đến nơi thì nhà vựa không mua. Họ giải thích, vựa chỉ thu mua số lượng lớn, không mua mít nhỏ lẻ. Hóa ra, những người bán mít Thái số lượng lớn cho vựa chính là thương lái mua mít hàng ngày đi rảo trong các vườn để thu mua, không phải ai xa lạ”.
Vựa - lái đổ nhau, nhà vườn lãnh đủ
Trong lúc nhà vườn bất bình vì chuyện bị ép giá mít thì thương lái và chủ vựa cũng lên tiếng “thanh minh”. Ông Tư B., chủ vựa thu mua mít Thái ở Cai Lậy (Tiền Giang) phân trần: Các vựa thu mua mít xuất khẩu lâu nay chỉ quy định mít loại 1, 2, 3 theo “chuẩn” của đầu mối tiêu thụ bên Trung Quốc. Còn các tiêu chuẩn chất lượng như: Mít chợ, mít kem, mít bi… do các lái mít tự đặt ra với nhà vườn. Việc giá cả mua bán giữa nhà vườn và lái mít là chuyện “thuận mua, vừa bán”, các vựa mít không can thiệp. Vựa chỉ ra giá thu mua mít theo chất lượng loại 1, 2, 3 khi lái mít mang hàng tới.
Riêng vấn đề không thu mua mít của nhà vườn tự đem tới vựa bán, ông B. giải thích: “Các lái mít đi đến các vườn thu mua, mang về xử lý sơ bộ trái mít rồi mới đem đến vựa cân với số lượng lớn, nên các chủ vựa đỡ tốn chi phí nhân công để xử lý. Vì vậy, các vựa ngại mua mít số lượng ít của nhà vườn đem tới, do không có người đánh giá chất lượng, xử lý kỹ thuật trước khi đóng gói xuất khẩu”.
Ông T., lái mít ở huyện Cái Bè, lại khẳng định: Lái mít cũng bị chủ vựa làm khó đủ điều về chất lượng trái mít, chính chủ vựa là người sáng tạo ra “mít kem, mít chợ, mít bi... Vì vậy lái vào vườn cắt mít phải khắt khe với nhà vườn, nếu không sẽ lỗ trắng tay.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh ĐBSCL, hiện tại toàn vùng đã có hơn 60.000ha đất trồng mít Thái siêu sớm với sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn trái/năm. Do vậy nhiều nhà vườn nhận định, sắp tới người trồng mít sẽ khốn đốn hơn, bởi diện tích trồng mít Thái đang tiếp tục tăng lên ở khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhưng, trong khi mít Thái đang gần như trở thành 1 loại cây trồng chủ lực ở miền Tây Nam bộ thì mối quan hệ cung - cầu, mua - bán đều do nhà vườn - thương lái - chủ vựa tự thỏa thuận với nhau, các cơ quan hữu trách của Nhà nước không can thiệp vào.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) chia sẻ: Nhiều năm qua có những loại cây ăn trái đặc sản, được xem là cây trồng chủ lực, nhưng khi tiêu thụ thì chuyện giá cả, chất lượng đều do thương lái quyết định, đơn cử như trái sầu riêng và trái mít Thái. Chính điều này đã làm thị trường tiêu thụ trái cây đặc sản luôn trong tình trạng bấp bênh, hôm nay giá này, ngày mai giá khác, được mùa thì mất giá, dù đó là chuyện… xưa như trái đất.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/nguoi-trong-mit-mien-tay-khon-don-voi-chieu-tro-ep-gia-cua-thuong-lai-d170096.html