Người Việt top 6 du học Mỹ

Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), đến thời điểm hiện tại có hơn 24.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ. Như vậy, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 17 liên tiếp. Sinh viên Việt Nam tại Mỹ chủ yếu theo học ở bậc đại học. Theo báo cáo, trong năm học 2017 - 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ, với 24.325 sinh viên, tăng 1.887 sinh viên so với năm học 2016 - 2017, tức tăng 8,4%.

Trong tổng số 24.325 sinh viên Việt Nam du học tại nước này, có 69,6% học đại học, 15,2% sau đại học, 8,6% tham gia thực tập không bắt buộc, và 6,6% còn lại theo học các chương trình không cấp bằng. Mặc dù con số này chỉ chiếm 5% tổng số sinh viên tại Mỹ nhưng sự tăng trưởng qua các năm là khá mạnh. Theo ước tính, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ đã đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế nước này.

Mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo trước Quốc hội số liệu cho biết, theo một nguồn thống kê không chính thức, mỗi năm học sinh sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu (đi dưới dạng học bổng và không học bổng) rất nhiều, mỗi năm mất khoảng 3 - 4 tỷ USD dưới dạng các chi phí khác nhau. Theo số liệu của Bộ GD&ĐT trong năm 2017, có khoảng 130 ngàn du học sinh Việt Nam, trong đó năm quốc gia hàng đầu được du học sinh Việt Nam chọn đến bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc và Vương quốc Anh.

Chia sẻ trước thông tin sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học ngày càng tăng, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc lựa chọn học trong nước hay du học là tự do của phụ huynh và học sinh, bởi du học các nước tiên tiến cũng là điều đáng mừng bởi họ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu thế giới. “Có một thực tế là du học ngày càng nhiều, nhưng số người tài trở về nước phục vụ đất nước lại rất ít. Du học xong ở lại cũng cho thấy chế độ đãi ngộ, lương chưa tương xứng đủ để thu hút họ trở về” - PGS Trần Xuân Nhĩ trăn trở.

 Du học là một lựa chọn của nhiều sinh viên và gia đình tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Q.Anh

Du học là một lựa chọn của nhiều sinh viên và gia đình tại các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Q.Anh

Không ngại chi tiền tỷ mỗi năm cho con

Trên thực tế, du học nước Mỹ luôn có sức hấp dẫn đối với nhiều gia đình tại Việt Nam mong muốn cho con được học tập, thích nghi với môi trường giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới.

Có con chuẩn bị hoàn thành chương trình học đại học tại Mỹ, chị Thu Hà (43 tuổi, sinh sống tại Khu đô thị Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, kế hoạch cho con trai đi du học đã được hình thành từ những năm con học THCS, hoàn thành chương trình THCS xong, con qua Mỹ du học luôn và sau đó học lên đại học. Theo chị Hà, trong vòng gần 8 năm con học tại Mỹ, gia đình đã chi khoảng hơn 10 tỷ đồng, số tiền này gia đình đã bán một căn biệt thự loại nhỏ ở thời điểm hơn 8 năm trước.

Dù mỗi năm tiền ăn học và thỉnh thoảng tôi qua chơi thăm cháu, hay cháu về nước ăn Tết cũng khá lớn, nhưng gia đình đã có kế hoạch và đảm bảo khả năng chi trả cho con. Học xong đại học, con cũng đang dự định ở lại vừa làm vừa học lên thạc sỹ. Nhà có duy nhất một đứa con, nhưng con được đi học ở nước tiên tiến, cơ hội học tập, làm việc tốt hơn trong nước nên gia đình cũng cố gắng lo chi phí, tôn trọng sở thích của con” - chị Thu Hà tâm sự.

Từng du học, nghiên cứu sinh tại Mỹ, TS. Nguyễn Trung Thành (hiện là giảng viên trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội) chỉ ra lý do nước Mỹ trở thành điểm đến của sinh viên thế giới, đó là nền giáo dục Mỹ được xếp hạng là một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới với nhiều trường đại học đứng top đầu trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới. Tốt nghiệp các trường ĐH tại Mỹ sẽ giúp sinh viên có nhiều lựa chọn xin việc không chỉ tại Mỹ mà còn ở tất cả các nước trên thế giới. Do đó, lựa chọn du học Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều sinh viên hiện nay.

Nói về chi phí ăn, học tại Mỹ, TS. Thành cho hay, du học các trường đại học tại Mỹ học phí dao động 20.000 - 30.000USD/năm (khoảng gần 500 - 700 triệu đồng), tùy từng khóa học và nhà trường quy định, học phí không rẻ nhưng đa phần chất lượng cao. Với hơn 4.000 trường đại học, cao đẳng trên khắp nước Mỹ. Sinh viên có nhiều lựa chọn về ngành nghề và chất lượng để đăng ký khoá học phù hợp với mình. Chi phí này phụ huynh thường phải chi trả cho con em mình vì sinh viên không thể đi làm thêm để trang trải học phí được.

Còn với chi phí sinh hoạt hàng năm, theo TS. Thành, thường dao động trung bình hoảng 12.000 - 15.000 USD/năm (khoảng từ 250 - 400 triệu đồng) tuỳ thành phố và mức chi tiêu của sinh viên. Đây là chi phí cần có và có thể sinh viên đi làm thêm để trang trải mức sinh hoạt phí này. Các trường nước Mỹ cũng cấp học bổng cho rất nhiều sinh viên có thành tích học tập tốt và có các hoạt động vì cộng đồng. Học bổng này thường được giảm vào hoc phí nhưng sinh viên vẫn phải đóng một khoản học phí còn lại.

Sự lựa chọn đối với các trường tại Mỹ là rất phong phú. Tuy nhiện, chất lượng nhiều trường chưa được kiểm định và không có cơ hội cao sau khi ra trường. Nhưng nếu chọn học những trường thứ hạng cao, nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn nhiều thì cơ hội việc làm và chất lượng bằng cấp được xếp hạng hàng đầu thế giới. Với nền giáo dục mang tính ứng dụng cao, cộng với đó cơ hội việc làm với thu nhập cao, môi trường có thể phát triển được năng lực bản thân nên nhiều sinh viên chọn ở lại Mỹ hoặc sang làm việc tại các nước phát triển thay vì trở về nước” - TS. Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Quang Anh

Theo Giadinh.net.vn