Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5/5 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD Covid-19 trong tình hình mới, ngành Công Thương thủ đô đã phải tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng mạnh 30,92% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 21,1%) do tháng 4/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống sự lây lan của dịch bệnh Covid 19, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.352,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,3%).

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, không lo sốt giá vì dịch
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, không lo sốt giá vì dịch.

Về phía các địa phương, các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ trên địa bàn Thủ đô đã chuẩn bị lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội trong 3 tháng có dịch với tổng giá trị khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng. Ngành Công Thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá. Người dân không cần thiết phải mua hàng hóa tích trữ trong thời gian dịch bệnh.

Tại Vĩnh Phúc, Sở Công Thương tỉnh cũng đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về công tác bảo đảm hàng hóa giúp phòng, chống dịch. Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, Sở Công Thương Hà Nam thành lập các đoàn kiểm tra hàng hóa tại các chợ và siêu thị. Nhìn chung tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tại TP. Đà Nẵng, trước thông tin về các trường hợp mắc mới COVID-19 trên địa bàn từ ngày 3/5 đến nay, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại người dân vẫn mua hàng bình thường, chỉ có số ít người có tâm lý mua hàng dự trữ nhưng vẫn ổn định, không có biến động nhiều.

Đà Nẵng cũng đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào
Đà Nẵng cũng đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào.

Tại TP.HCM, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn trong thành phố có lượng khách đến mua giảm hơn so với bình thường.

Tại Thái Bình, Sở Công Thương đã thành lập đoàn đi kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt tình hình diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch cũng như bình ổn thị trường. Sở Công Thương Thái Bình tiếp tục kích hoạt kế hoạch bình ổn thị trường, đồng thời kết nối với các thương hiệu nổi tiếng như Masan, Vinmart+, Kinh đô, Neptune... và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho thị trường Thái Bình thông qua các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị.

Tại các tỉnh có dịch khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam,… tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương thực hiện các giải pháp bình ổn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì dự trữ hàng Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa.

Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có). Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Theo An An (tổng hợp)/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nguon-cung-hang-hoa-doi-dao-khong-lo-sot-gia-vi-dich-20201231000001980.html