Bỏng da mặt, hoả hoạn, tử vong vì pháo sáng
Mới đây, chiến thắng của đội bóng đá nam Việt Nam tại AFF Cup năm 2018 đã khiến người hâm mộ trên cả nước vỡ òa trong niềm vui sướng. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ đã thể hiện niềm vui một cách quá khích bằng việc đốt pháo sáng ăn mừng.
Về vấn đề này, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc đốt pháo sáng gây ra rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc dễ gây cháy nổ, hỏa hoạn hoặc gây bỏng cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi đốt pháo sáng ở sân vận động hoặc chỗ đông người, nếu đốt pháo sáng với số lượng lớn, trước hết là gây tình trạng khói mù mịt, ảnh hưởng đến những người bên cạnh. Không những thế, tàn pháo sáng có thể bắn vào những người lân cận gây bỏng và gây ra cháy nếu ở đó có nhiều vật liệu dễ cháy như áo phao, áo lông, len sợi…
Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ việc đốt các loại pháo, trong đó có pháo sáng. Nhiều người đã tử vong hoặc bỏng nặng vì đốt pháo. Đơn cử, vào hồi tháng 1 vừa qua, anh N.H.T (35 tuổi, trú tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), phải nhập viện trong tình trạng bỏng nặng vùng mặt và mắt.
Nguyên nhân là do anh T quá vui mừng vì đội U23 Việt Nam thắng Iraq nên đã cùng nhóm bạn bắn pháo sáng ăn mừng. Trong lúc bắn pháo, anh T đã bị pháo bắn thẳng vào mặt, gây bỏng nặng. Các bác sĩ cho biết, anh T bị bỏng da mặt độ 1-2, cháy lông mày, lông mi, bỏng kết mạc - giác mạc.
Hay trường hợp của một cổ động viên tên Tr. ở Hải Phòng cũng phải trải qua 2 ca phẫu thuật ghép da ở Viện bỏng Quốc gia mới qua cơn nguy kịch. Theo lời kể của người đàn ông này, trước khi vào sân cổ vũ bóng đá, anh nhận được quả pháo sáng từ một cổ động viên khác trong đoàn và đút vào túi quần.
Khi Việt Nam ghi bàn, vì quá vui mừng, anh này rút quả pháo trong túi ra để ăn mừng. Tuy nhiên, do sơ suất đã túm vào đầu dây, khiến quá pháo được giật chốt và cháy ngay trong túi quần khiến anh Tr bị cháy toàn bộ da thịt và lập tức được đưa đi cấp cứu.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp
Bên cạnh những hệ lụy về cháy nổ, gây mất an toàn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, việc đốt pháo sáng cũng có nguy cơ gây tác động xấu đối với sức khỏe của con người. Chẳng hạn, trong trường hợp pháo được đốt trong không gian lớn như ngoài trời, khi pháo phát nổ, khói, bụi sẽ nhanh chóng được phát tán ra ngoài không khí nên mức độ nguy hiểm không đáng ngại.
Tuy nhiên, nếu đốt pháo trong không gian hẹp như ở trong nhà, trong phòng kín sẽ gây ra những tác hại nhất định đối với sức khỏe, nhất là hệ hô hấp. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tùy theo từng loại pháo mà có thành phần hóa học khác nhau. Có loại trộn hợp chất nitrat với cacbon và phốt pho, khi đốt cháy sẽ sinh ra một hợp chất gây khó thở cho người hít phải.
Nguy hiểm hơn là khi pháo được bào chế từ các loại thuốc súng, mức độ gây hại sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Chính vì những lý do trên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã cấm sử dụng pháo để đảm bảo an toàn và tránh gây hại đối với sức khỏe về sau.
Bị phạt nặng khi đốt pháo sáng trên sân vận động
Thời gian qua, dù quy định đã cấm việc đốt pháo cũng như dư luận đã truyền tải thông điệp "Nói không với pháo sáng" trên sân vận động, tuy nhiên, việc làm này vẫn đang diễn ra và để lại hậu quả khá nặng nề bằng việc, chúng ta đã bị phạt khá nặng về hành động này.
Theo thông tin từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã có văn bản gửi VFF thông báo về quyết định phạt VFF 12.500 USD (tương đương gần 300 triệu đồng) do các cổ động viên Việt Nam có hành vi đốt pháo sáng trên khán đài trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc ở trận bán kết môn bóng đá nam ASIAD 18.
Trước đó, AFC cũng đã ra quyết định phạt VFF 15.000 USD do một số cổ động viên Việt Nam đốt pháo sáng trên sân vận động Olympic Campuchia ở trận đấu giữa Campuchia – Việt Nam vào tháng 9/2017.
AFC đồng thời cũng đưa ra cảnh báo nếu cổ động viên Việt Nam tiếp tục đốt pháo sáng trong các trận đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn như sẽ bị đưa sang sân trung lập thi đấu hoặc đóng cửa sân thi đấu.