Nhà cao tầng là mô hình hiệu quả khi phát triển đô thị

Việc các tòa nhà cao tầng hiện diện trong lòng đô thị Việt Nam như hiện nay là một sự tất yếu của quá trình đô thị hóa và phát triển hội nhập với toàn cầu. Nhờ đó, hàng triệu người dân ở các đô thị lớn Việt Nam có cơ hội tiếp cận với một nơi ở riêng cho mình.

Phát triển các công trình cao tầng, nhất là các công trình cao tầng đa chức năng có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các khu chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất đai, giảm thiểu sử dụng đất đai và bảo tồn cảnh quan, sinh thái. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu của một đô thị phát triển bền vững.

Kinh nghiệm quốc tế còn cho thấy việc phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị, là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị.

Không những vậy cách làm này vừa phù hợp với việc tái cấu trúc không gian đô thị mà vẫn không làm thay đổi hệ số sử dụng đất và quan trọng là không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng, hệ thống xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông.

Toàn cảnh hội thảo Hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”

Toàn cảnh hội thảo quốc tế “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho hay, thời gian vừa qua nhiều nhà cao tầng đã đóng góp vào việc làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị, tạo nên sắc thái mới của sự phát triển.

Nhiều nhà cao tầng vẫn tập trung vào khu vực đô thị hiện hữu đã mang lại những kết quả đó là nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, bổ sung khối lượng lớn nhà ở thương mại, các khách sạn, khu vực dịch vụ… góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận.

Đồng quan điểm, trong bài tham luận, PGS. TS Lê Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Nhà cao tầng có rất nhiều ưu thế trong hiệu quả sử dụng như tiết tiếm đất đai xây dựng, giao thông bên trong ngắn gọn, kết nối các chức năng trong tòa nhà nhanh chóng hiệu quả, tăng cường hiệu quả tối đa về tầm nhìn cho công trình, hiệu quả kinh tế đầu tư cao, tạo ra cơn sốt tại các đô thị.

Có thể nói nhà cao tầng là hình ảnh đặc trưng cho quá trình phát triển đô thị của các tỉnh thành trong cả nước”.

Đa số các chuyên gia đều khẳng định rằng, xây các tòa cao ốc không hề có lỗi, vấn đề trọng điểm vẫn là câu chuyện cách làm như thế nào.

Khẳng định tại hội thảo, TS. KTS. Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore cho hay: Câu chuyện chúng ta cần bàn không phải là xây nhà cao hay thấp mà là câu chuyện chúng ta cho phép gia tăng mật độ hay không và nếu tăng thì tới mức nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.

“Chuyện xây dựng hình thức công trình gì không hoàn toàn quyết định về mặt mật độ khu đô thị. Bắc Kinh là ví dụ điển hình cho việc xây nhà cao tầng là chủ yếu nhưng mật độ cực kỳ thưa.

Vì họ có những quy định cụ thể như phải đảm bảo các công trình nhận được nắng chiếu vào trong số giờ nhất định vào mùa đông nên khoảng cách các toà nhà rất xa nhau dẫn đến mật độ thưa, dù toàn nhà cao tầng cả.

Như vậy, rõ ràng tầng cao không phản ánh bức tranh về mật độ dân số, cần phải tách bạch hai câu chuyện ra.

Thứ nhất là phải bàn câu chuyện mật độ dân cư và thứ hai là câu chuyện hình thức công trình. Nó không nhất thiết liên quan đâu. Và vì thế, quản lý nhà nước phải quản lý bằng vấn đề chuyên môn chứ không thể quản lý bằng cảm tính”, ông Dũng chia sẻ.

Hạ tầng chạy trước cao ốc?

Trước câu chuyện các đô thị đều bị quá tải, tăng sức ép ở tất cả các mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đa số các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp, chung cư cao tầng phải được xây dựng thành cụm, từng khu, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.

Nhằm tạo dựng các không gian giao tiếp và sinh hoạt công cộng (cây xanh, vườn hoa, sân chơi phục vụ cộng đồng khu vực) nhằm tạo sự khác biệt, sức hấp dẫn và đẳng cấp của các khu nhà ở và làm tăng giá trị bất động sản của khu đó.

Nói về mối quan hệ giữa hệ số sử dụng đất khi xây nhà cao tầng với bài toán hạ tầng, theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam việc cần làm là phải có sự nghiên cứu, cho phép giảm mật độ xây dựng và tăng hệ số sử dụng đất đến đâu để phù hợp với năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay.

Về sự phát triển hạ tầng phải nhằm mục tiêu tạo môi trường cảnh quan sinh thái tốt cho đô thị. Chính sách thu gom đất tái phân lô, hình thành hạ tầng đi kèm với điều chỉnh đất, giảm tối đa các miếng đất không đủ điều kiện xây dựng, hoặc tạo nguồn tài chính từ sự gia tăng các giá trị đất do hạ tầng mang lại đang là sự lựa chọn cho nhiều đô thị ở Việt Nam.

Theo đó, KTS. Ngô Viết Nam Sơn phân tích: “Bản chất là xây nhà cao ốc là không có lỗi và không thể phủ nhận những lợi ích nó mang lại.

Đồng nghĩa với đó phải hiểu rằng nhà cao tầng không đi đôi với hạ tầng thì nhà cao tầng mới có lỗi và chúng ta phải phát triển đồng bộ mới thành công. Tóm lại chuyện hạ tầng, không gian cảnh quan hay câu chuyện cao ốc vẫn là bài toán quản lý.

Mục đích cuối cùng của xây dựng đô thị là hướng đến cuộc sống tốt nhất cho người dân, xây dựng đô thị vững mạnh”.

Cũng theo PGS. TS. KTS Phạm Hùng Cường, trường đại học Xây dựng Hà Nội: “Bản thân kiến trúc nhà cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị. Công nghệ ngày càng hiện đại, nhà cao tầng ngày càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn, ấn tượng kiến trúc có thể làm đẹp hơn, thân thiện và sinh thái hơn.

Vấn đề là các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để cho các kiến trúc cao tầng hình thành và phát huy được vai trò của nó. Đặc biệt là làm rõ vai trò của nó trong việc tái thiết các khu vực đô thị cũ. Quyền chủ động thiết lập cấu trúc không gian chỉ có từ các nhà quy hoạch, nếu quy hoạch đó gắn với các chiến lược tái thiết phù hợp”.

Theo Reatimes.vn