1. Giải thích và tập luyện cho trẻ về thang cuốn
Đối với những em bé chưa từng được tiếp xúc với thang cuốn cha mẹ phải giảng giải và dạy cho bé cách đi thang cuốn. Bé cần phải biết bước lên thang như thế nào, đứng trên thang và vịn tay vịn ra sao. Bé không được làm gì khi thang đang di chuyển và bước ra khỏi thang như thế nào. Hãy dạy cho con đủ kiến thức để đi thang cuốn một cách chủ động.
Ngoài ra cha mẹ nên nói về những khả năng nguy hiểm có thể xảy ra khi đi thang cuốn. Chỉ cho bé những việc tuyệt đối không thể làm khi đi thang cuốn và cuối cùng là cùng bé tập đi thang cuốn mỗi khi tới những nơi sử dụng phương tiện vận chuyển này.
Cha mẹ hãy dạy cho con của mình đủ kiến thức để không coi thang cuốn là một trò chơi mà là một phương tiện vận chuyển có nhiều nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
2. Khi đi thang cuốn luôn nắm chặt tay trẻ
Trẻ nhỏ luôn nghịch ngợm và hiếu động, do đó, nguyên tắc quan trọng nhất mà cha mẹ nào cũng cần nhớ, đó là luôn luôn nắm lấy bàn tay con khi đang đi trên thang cuốn. Hành động nhỏ này giúp chúng ta chủ động hơn trong những tình huống bất ngờ xảy ra trên thang.
3. Trẻ dưới 5 tuổi nên được bế
Trẻ nhỏ không có đủ kỹ năng tay, chân, mắt để phối hợp giúp bước vào và bước ra khỏi thang cuốn đang chuyển động một cách an toàn và vững chãi. Bé rất có thể sẽ bị mất thăng bằng và vấp ngã trên thang cuốn. Do đó, với trẻ dưới 5 tuổi, mẹ nên cố gắng bế con khi đi thang.
4. Người lớn phải luôn giữ tay vịn
Đảm bảo an toàn cho trẻ nhưng người lớn đi cùng cũng cần phải có được vị trí vững chắc. Với những bà mẹ, nhất là phụ nữ đang đi giày cao gót trên thang cuốn, nhất thiết phải giữ vững tay vịn.
5. Nên để bé đứng giữa thang
Vị trí an toàn nhất cho trẻ trên thang cuốn luôn là ở giữa bậc thang.
6. Nhắc nhở trẻ liên tục khi đi thang cuốn
Nhắc trẻ em không ngồi, đùa nghịch, chạy, nhảy trên thang cuốn là việc liên tục phải thực hiện. Không cho phép trẻ em tựa người vào lan can, tay vịn khi thang cuốn đang hoạt động.
7. Luôn lưu ý trang phục khi di chuyển bằng thang cuốn
Khi đi thang cuốn, mẹ phải lưu ý dây giày của con, chân váy hay ruy băng cài trên váy áo phải được buộc gọn gàng, không để lủng lẳng trên cơ thể bởi nguy cơ chúng bị mắc kẹt hoặc cuốn vào rãnh thang cuốn là rất cao. Một khi đã bị cuốn hoặc mắc kẹt đồ vật thì sẽ có rất nhiều khả năng nguy hiểm xảy ra.
8. Ứng xử khi bị kẹt quần áo trên thang cuốn
Đừng bao giờ cố kéo quần áo của trẻ khỏi rãnh thang đang cuốn. Thay vào đó, cha mẹ nên tìm cách cởi bỏ ngay trang phục đó trên người con.
9. Hạn chế đi giày bằng chất liệu trơn, dẻo...
Đã có nhiều trường hợp tai nạn thang cuốn xảy ra khi trẻ đi dép nhựa dẻo. Bé có thể để dép quá sát cạnh thang cuốn, từ đó dép có thể bị trượt, ma sát và có nguy cơ gây tai nạn.
10. Không đưa xe đẩy của trẻ hoặc vật cồng kềnh lên thang cuốn
Khi bạn đi với con có dùng xe đẩy, cố gắng sử dụng thang máy thay thang cuốn là tốt nhất. Trong một nghiên cứu được thực hiện, đã có 13.000 trường hợp bị tai nạn thang cuốn và 723 trường hợp trong số đó có liên quan đến xe đẩy, nhiều trường hợp trẻ em còn bị rơi ra khỏi xe đẩy. Chờ thang máy sẽ lâu hơn một chút nhưng chắc chắn an toàn hơn rất nhiều.
11. Nâng cao cảnh giác với thang cuốn ở sân bay
Thang cuốn ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng thang cuốn ở các sân bay còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Các yếu tố nguy cơ bao gồm nhiều hành lý nặng, đông đúc, sự mệt mỏi của hành khách..có thể gây ra tai nạn cho trẻ em.
12. Lưu ý về nút dừng khẩn cấp
Trên các thang cuốn đều có nút đỏ có tác dụng dừng hoạt động của thang khi có việc khẩn cấp. Cha mẹ khi đi thang cuốn cần phải quan sát nút đỏ này.
Video hướng dẫn cách đi thang cuốn an toàn cho trẻ: