Và nhờ hệ thống phân phối rộng khắp và được duy trì liên tục trong thời gian dài, sản phẩm của họ luôn sẵn sàng để tiếp cận người tiêu dùng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả các khu vực vùng sâu vùng xa để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Theo đánh giá của vị chuyên gia này, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong thời gian qua khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, nếu xét kĩ hơn ở từng ngành hàng, từng thị trường thì vẫn có nhiều doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng tốt ở các kênh thương mại cũng như các phân khúc khác nhau.

Có thể thấy, thời gian qua rất nhiều các doanh nghiệp đang phát triển rất tốt, bất kể quy mô lớn hay nhỏ, hay đó là các doanh nghiệp đa quốc gia, các doanh nghiệp đang hoạt động trong nội bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hay thậm chí là các doanh nghiệp trong nước.

Khi nền kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa bảo hộ, làn sóng “nội địa hóa” (Go Local) chưa bao giờ lại trở nên mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Tại nhiều thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp đa quốc gia đang gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nội địa trên nhiều phương diện như chất lượng, giá cả cạnh tranh cũng như các chiến lược marketing tập trung đến các phân khúc khách hàng mục tiêu cụ thể hơn.

Khảo sát phân tích Top 100 doanh nghiệp FMCG trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - chiếm khoảng 85% doanh số của ngành hàng FMCG trong khu vực thực hiện năm 2016 cho hay, các doanh nghiệp nội địa chiếm 53% thị phần của thị trường FMCG tại khu vực. Trong khi đó, thị phần của các doanh nghiệp đa quốc gia là 39%, các doanh nghiệp khu vực là 9%.

Một số nghiên cứu khác của Nielsen cũng chỉ ra rằng trong 3 năm qua các doanh nghiệp nội địa có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, chiếm 73% tăng trưởng của thị trường FMCG.

Vậy để thấy, mặc dù mỗi doanh nghiệp nội địa ở từng quốc gia là khác nhau, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp này đã và đang có những tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của toàn thị trường FMCG tại khu vực.

"Chỉ một vài năm trước, các công ty đa quốc gia vẫn luôn chiếm lĩnh kênh bán hàng hiện đại, trong khi đó, thế mạnh của các công ty nội địa vẫn là kênh bán lẻ truyền thống. Nhưng hiện nay, câu chuyện đã thay đổi khi các doanh nghiệp nội địa đang chiếm lĩnh 90% tăng trưởng của FMCG tại kênh bán hàng hiện đại và 63% tại kênh bán hàng truyền thống.", bà Laura McCullough nói.

Ở nhiều thị trường, các nhãn hàng nội địa đang tận dụng các cơ hội đến từ “lòng tự hào dân tộc” cũng như các thành tựu xưa cũ của các nhãn hàng nội địa lâu đời để làm chất liệu cho các chiến dich truyền thông cũng như gây hiệu ứng lan truyền trên các kênh mạng xã hội.

Dù quy mô lớn hay nhỏ - sự thật là các doanh nghiệp nội địa ngày càng giành được ưu thế trên đường đua. Và đó cũng là lí do mà các doanh nghiệp đa quốc gia đã đến lúc cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để khai thác, tìm hiểu kĩ hơn về người tiêu dùng và sự khác biệt của họ ở mỗi thị trường khác nhau.

Theo Vân Hà/Reatimes