Mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các giải pháp cấp thiết tránh đổ vỡ dây chuyền bất động sản - xây dựng. Công văn đã được 21 doanh nghiệp thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) ký tên để gửi đến Chính phủ, cùng Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước.
Trong công văn, ông Lê Viết Hải cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản mất cân đối dòng tiền, tác động lên cả hệ sinh thái của toàn ngành và ảnh hưởng dây chuyền đến các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Hàng vạn người lao động đã bị mất việc làm và hàng trăm ngàn lao động trong ngành cũng đang đứng trước nguy cơ đó.
Chủ tịch SACA cũng đánh giá những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản đã có hướng xử lý thỏa đáng như Nghị quyết 33/NQ-CP do Thủ tướng ban hành ngày 11/3. Tuy nhiên, do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện nên những giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp bất động sản có thể còn rất lâu mới được thực thi. Trong thời gian chờ đợi, các doanh nghiệp xây dựng không thể cân đối dòng tiền để duy trì hoạt động khi rất nhiều tháng qua không nhận được thanh toán của khách hàng.
Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình, trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được.
Ngay cả Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công. Mặc dù đã huy động tất cả nguồn lực để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi nhưng không thể kịp thời cải thiện.
Trước tình trạng trên, các doanh nghiệp xây dựng kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản. Đồng thời, nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.
SACA cũng kiến nghị xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản, cập nhật thường xuyên thông tin quy hoạch, pháp lý, tiến độ cơ bản của dự án cùng tình hình mua bán (số lượng và giá giao dịch tại từng thời điểm), giúp nhà đầu tư và người dân có đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua bán. Từ đó, hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu toàn ngành, hoặc mất cân đối, lệch pha trong đầu tư ở từng phân cấp.
Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest) cho biết, do có mối quan hệ liên thông chặt chẽ, khó khăn của thị trường bất động sản đã kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và những thách thức có thể kéo sang cả năm 2024 nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt.
“Biến động giá nguyên vật liệu khiến giá vốn tăng cao nên lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp xây dựng đều suy giảm mạnh. Không chỉ thế, các nhà thầu Việt Nam vốn nhỏ, thường vay tiền ngân hàng ứng vốn làm trước rồi mới được chủ đầu tư thanh toán sau. Nếu chủ đầu tư chậm trả, hoặc đề nghị gán nợ bằng sản phẩm thì nhà thầu vừa không có tiền trả vật tư, nhân công vừa phải lo lãi vay ngân hàng, nhất là giai đoạn lãi suất cao như hiện nay, nhưng chúng ta chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp này", ông Hiệp chia sẻ.
Hiện còn có tình trạng doanh nghiệp đấu thầu bằng mọi giá để có công ăn việc làm, từ đó dẫn đến việc càng làm càng lỗ. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng nhìn nhận, trong bối cảnh tất cả các thành phần kinh tế đều khó khăn như hiện nay, việc tháo gỡ riêng về vấn đề tài chính cho doanh nghiệp bất động sản - xây dựng là rất khó.
“Điều doanh nghiệp không thể thay đổi là cơ sở pháp lý, nên việc Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội có thể làm được là tháo gỡ về khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thực thi chính sách vĩ mô hiệu quả, tạo cơ sở và động lực cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư - kinh doanh, còn tháo gỡ về kinh tế thì doanh nghiệp phải tự lo.
Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng khác đều phải phấn đấu vượt khó khăn, tái cơ cấu sản phẩm, định vị lại thị trường, xác định lối ra cũng như nguồn tài chính để tiếp tục hoạt động. Các nhà thầu xây dựng cũng phải đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023. Như Vinaconex, những năm trước tham gia ở cả lĩnh vực đầu tư hoạt động tài chính và thi công xây lắp. Hiện công ty đã tập trung vào mục tiêu xây lắp, chủ yếu là các dự án đầu tư công trọng điểm nên khả năng doanh thu 2023 vẫn có thể đạt tới 18.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ việc làm cho đơn vị", ông Hiệp chia sẻ.
Ngoài ra, để giúp doanh nghiệp ngành xây dựng phát triển bền vững, khâu then chốt đầu tiên là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư.
“Thực tế các hợp đồng xây dựng nếu chỉ giải quyết bằng luật dân sự thì luôn bị kéo dài cả chục năm mà vẫn không giải quyết được và doanh nghiệp không đủ sức để theo kiện. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các bộ chuyên ngành, Chính phủ, Quốc hội là cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu”, ông Hiệp nói./.
Nguồn: https://reatimes.vn/nhieu-doanh-nghiep-xay-dung-co-nguy-co-sup-do-20201224000018477.html