Phát hiện hàng loạt vi phạm
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa vừa có kết luận kiểm tra Trường THPT chuyên Lam Sơn theo đơn phản ánh với các nội dung về công tác quản lý; các khoản thu chi ngoài ngân sách; dạy thêm, học thêm; công tác bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi; hồ sơ tuyển dụng giáo viên; quản lý sử dụng tài sản công; tổ chức trồng cây; chi trả chế độ lương thêm giờ, phụ cấp ưu đãi nhà giáo và phố hợp với trung tâm dạy ngoại ngữ cho học sinh tại trường...
Theo đó, hàng loạt sai phạm của tập thể, cá nhân của nhà trường đã được làm rõ trong kết luận thanh tra. Trong 11 vấn đề theo đơn phản ánh của công dân thì có đến 8 vấn đề phản ánh đúng, cụ thể:
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm: Năm học 2016-2017, 2017-2018 và dạy thêm học thêm trong hè các năm 2017, 2018 chưa được cấp phép, không có hồ sơ đăng ký dạy thêm, học thêm; năm học 2018-2019 tổ chức học 2 ca/môn/buổi (5 tuần), thu tiền dạy bồi dưỡng môn chuyên trong hè, là vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 1, Khoản 5 Điều 3 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT và tại Điểm a, c, Khoản 5 Điều 5 Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Về việc thu tiền dạy thêm, học thêm: Thu tiền quản lý dạy thêm học thêm (25%) ngay đầu năm học đối với tất cả học sinh học thêm với mức 700.000đ/HS/năm; các lớp tự thu, tự chi cho giáo viên 600.000đ/buổi và thu tiền học bồi dưỡng hè môn chuyên là không đúng quy định tại Hướng dẫn Liên ngành (Công văn sổ 1616/HDLN-GDĐT-TC ngày 18/9/2012 và Công văn 702/HDLN-GDĐT-TC ngày 13/4/2017).
Về việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các năm học: Các năm 2017, 2018, 2019, Môn Thể dục- Quốc phòng không thiếu giáo viên, nhưng Hiệu trưởng ký hợp đồng với bà Lê Thị Ngân, thời gian từ ngày 01/9/2017 đến nay là không đúng quy định, gây lãng phí ngân sách nhà nước 72.297.000 đồng.
Văn bản hợp đồng (ngày 01/9/2018) là hợp đồng làm việc dành cho bà Ngân không đúng quy định (bà Ngân không phải là viên chức hoặc trúng tuyển qua tuyển dụng) là vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật viên chức năm 2010 và Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp dồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dường đối với viên chức.
Về việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho cán bộ quản lý: Theo quy định cán bộ quản lý phải giảng dạy để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Năm học 2016-2017 Hiệu trưởng không giảng dạy, các năm học (2017-2018, 2018- 2019) dạy không đủ số tiết theo quy định, không báo cáo Sở GD&ĐT nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi, là vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2.8 Điều 7; điểm d, khoản 2.16, Điều 11 Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ GDĐT và tại điếm a, khoản 2, mục 2 Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Liên Bộ GDĐT - Nội vụ - Tài chính. Một nguồn tin cho biết, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn – ông Chu Anh Tuấn hưởng lợi bất chính số tiền này hàng chục triệu đồng.
Mặc dù các môn đều đủ giáo viên có năng lực dạy môn chuyên, tuy nhiên các môn Toán, Hóa, tiếng Anh Trường bố trí 01 giáo viên dạy 02 lớp chuyên (2018-2019), là vi phạm quy định về chế độ làm việc và khung vị trí việc làm của giáo viên trường THPT chuyên tại Điều 8 Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017, Điều 5 Thông tư số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 và quy định tại Thông tư số 36/1999/TT-BGDĐT ngày 27/9/1999 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ.
Trong các năm học, nhà trường không triển khai, tổ chức kiểm tra nội bộ là vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 17 Thông tư số 39/2013/TT- BGDĐT ngày 04/12/2013 của Bộ GD&ĐT.
Về việc phối hợp với Trung tâm dạy tiếng Anh cho học sinh: Trường phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Sao Mai tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh khổi 10, khối 11; tất cả học sinh đều phải làm đơn, nếu không học phải nêu rõ lý do; chương trình, tài liệu dạy học chưa được thẩm định phê duyệt, không báo cáo Sở GDĐT là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 17 Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT ngày 28/01/2011 và khoản 4, Điều 14 Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 của Bộ GDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Về tổ chức thu, lập Quỹ thi đua khen thưởng: Phát hiện việc tổ chức thu, lập quỹ thi đua khen thưởng trái phép 1.041.954.000 đồng (không có hồ sơ vận động và quy chế quản lý, sử dụng quỹ, Hiệu trưởng trực tiếp ban hành quyết định khen thưởng) là vi phạm pháp luật. Nhiều nội dung chi không đúng mục đích thi đua khen thưởng, trùng lặp trong chi ngân sách và Quỹ Khuyến học.
Về công tác quy hoạch, trồng cây trong trường: Tự chuyển và thay thế các loại cây trong dự án đã được thẩm định và quyết toán, không báo cáo và chưa được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.
Huy động đóng góp (100.000 đ/học sinh) trồng 16 cây Sưa tại sân trường, là vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 5, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT; điểm b, khoản 4, Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT- BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GDĐT và hướng dẫn của Sở GDĐT về việc triển khai, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách năm học 2016-2017 (Công văn so 1524/SGDĐT-KHTC ngày 04/8/2016).
Sử dụng kinh phí thường xuyên 23.068.000 đồng để thi công chuyển một số cây đã trồng trong dự án sang khu vực nhà đa năng, gây lãng phí ngân sách.
Về việc quản lý, sử dụng tài sản công: Nhà trường cho thuê, kinh doanh một số phòng nhà đa năng và mở căng tin tại trường, chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, chưa báo báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, đồng ý trước khi thực hiện là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 6 và khoản 3 Điều 12 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính. Tổng số tiền thu được từ việc cho thuê kinh doanh này là gần 160.000.000 đồng.
Về khoản phí gửi xe đạp, xe máy của học sinh: Nhà xe, mức thu, chi không đúng quy định (thu xe đạp 15.000 đồng/học sinh/tháng), thêm mức thu xe đạp điện 20.000/học sinh/tháng, hợp đồng nhiều bảo vệ và chi cho 01 suất nhân viên tạp vụ không đúng quy định), là vi phạm quy định tại Quyết định số 4554/2010/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về phí, lệ phí và hướng dẫn của Sở GDĐT.
Về khoản thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh: Hồ sơ thu, chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh các năm học 2016-2017, 2017- 2018 không lưu tại Trường; thu, chi quỹ năm học 2018-2019 không đúng quy định là vi phạm quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GDĐT và hướng dẫn của Sở GD&ĐT năm học 2018-2019 (Công văn số 1771/SGDĐT ngày 25/7/2018 ).
Ngoài ra, nhà trường còn có chủ trương kêu gọi phụ huynh có con trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ủng hộ kinh phí, có đội tuyển phụ huynh ủng hộ trực tiếp cho đội tuyển. Mặt khác, năm học 2018-2019, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn tiếp nhận 4 hồ sơ xét tuyển không hợp lệ, trong đó có 3 hồ sơ của giáo viên Trường THPT Quảng Xương I.
Những thiếu sót, sai phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về Hiệu trưởng và những cá nhân có liên quan tại Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Truy thu cả trăm triệu đồng
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, để xảy ra những thiếu sót, sai phạm nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn chưa thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật; chưa quán triệt các chỉ thị, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo trong các năm học về tổ chức dạy thêm học thêm, thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách; công tác kiểm tra nội bộ, sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên và thực hiện Quy chế dân chủ trường học.
Những thiếu sót, sai phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của nhà trường và ngành Giáo dục Thanh Hóa.
Sau khi vào cuộc kiểm tra, Sở GD&ĐT khẳng định nhiều nội dung phản ánh về Trường THPT chuyên Lam Sơn như nêu trên là đúng, có cơ sở. Do đó, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã báo cáo lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Thanh Hóa, Thanh tra Bộ GD&ĐT... về những sai phạm của Trường THPT chuyên Lam Sơn.
Để xử lý những sai phạm nêu trên, kết luận kiểm tra đã kiến nghị và đề xuất biện pháp xử lý đối với Trường THPT Chuyên Lam Sơn với hàng loạt biện pháp. Theo đó cơ quan có thẩm quyền yêu cầu: Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; tập trung khắc phục những thiếu sót, sai phạm; công khai kết luận kiểm tra theo quy định.
Chấm dứt việc xây dựng Quỹ thi đua khen thưởng trái phép và hợp đồng giáo viên Thể dục - Quốc phòng trái quy định. Chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè và thu tiền dạy bồi dưỡng môn chuyên trong hè.
Việc chi tiền bồi dưỡng cho giáo viên dạy các môn chuyên trong hè thuộc trách nhiệm của nhà trường. Dừng tổ chức các hoạt động kinh doanh nhà đa năng và dịch vụ căng tin trong trường, chỉ tổ chức hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ đối với Trường THPT chuyên Lam Sơn. Theo đó:
Áp dụng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 7, xử phạt đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép. Áp dụng quy định tại khoản 3, Điều 24, xử phạt đối với hành vi thu các khoản tiền trái quy định (Quỹ thi đua khen thưởng, dạy thêm học thêm và huy động trồng cây).
Truy thu về ngân sách nhà nước, với tổng số tiền 116.400.000 đồng: Bao gồm: 51.600.000 đồng tiền phụ cấp ưu đãi (70%) của Hiệu trưởng không giảng dạy năm học 2016-2017 và 64.800.000 đồng chi không đúng nội dung thi đua khen thưởng (chi cho cán bộ, giáo viên ngày giỗ Tổ và ngàỵ 30-4; chi tổ chức đi tham quan; chi cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm tốt, thu tiền xây dựng quỹ).
Sở GD&ĐT yêu cầu Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Lam Sơn báo cáo kết quả khắc phục về Sở trước ngày 10/4/2019.
Trước đó, phóng viên đã có loạt bài viết phản ánh chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, tài chính tại Trường THPT chuyên Lam Sơn. Độc giả có thể đón đọc lại loạt bài phản ánh về những "lùm xùm" tại trường THPT chuyên Lam Sơn tại đây.