Tiếng gọi của công nghệ

Trong kỷ nguyên số, trong khi nhiều công ty tài chính lựa chọn phát triển các ứng dụng cho vay trên nền tảng di động thì FE Credit lại sử dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình hoạt động của mình. Sự cải tiến không chỉ từ việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ của khách hàng mà còn giúp tự động hóa qui trình cho vay cũng như các hoạt động hành chính.

Theo ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE Credit, cuộc cải tiến công nghệ này là phản ứng của công ty khi thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào giai đoạn trưởng thành, việc này sẽ giúp công ty dành thêm thị phần.

Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE Credit

Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE Credit

Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây, câu chuyện bước tiến của FE Credit, được khởi xướng vào đầu năm 2018 khi ông và các cộng sự quyết định “phá vỡ” hoàn toàn mô hình kinh doanh hiện tại để xây dựng lại theo phương pháp tư duy - thiết kế, nhằm mục đích số hóa toàn phần mô hình kinh doanh của công ty. Đây cũng là nỗ lực của FE Credit nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm cho vay ngang bằng hoặc đi trước các nước phát triển khác.

“Chúng tôi tái cấu trúc mô hình kinh doanh để xác định các yếu tố quyết định trong việc xây dựng lịch sử tín dụng hoặc hồ sơ tín dụng giúp khách hàng đưa ra quyết định vay tiền, sau đó chúng tôi tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến trên thế giới và lựa chọn sử dụng chúng trên cơ sở chi trả tối ưu nhất", ông Ghose nói.

Khách hàng sẽ được trải nghiệm nền tảng cho vay hoàn toàn tự động của FE Credit, bao gồm các sản phẩm điển hình như $NAP, cho phép khách hàng đăng ký khoản vay tiêu dùng trên các thiết bị thông minh; SHIELD, ứng dụng hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến; FE Card Mobile với chức năng như một thẻ tín dụng ảo giúp chủ thẻ chi tiêu hoặc rút tiền nhanh chóng không cần ATM.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp nhận dạng khách hàng dễ dàng và tăng cường công tác quản trị rủi ro.

Do phải xử lí khoảng 25.000 đơn đăng kí vay mỗi ngày nên nền tảng kỹ thuật số được thử nghiệm và áp dụng song song với nền tảng truyền thống và việc chuyển đổi theo từng giai đoạn dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng 12 tháng.

Nhiều thành quả từ hệ thống tự động hoá

Đón đầu thách thức từ sự tăng trưởng có phần chậm lại của ngành tài chính tiêu dùng và sự gia nhập của các đối thủ mới, việc FE Credit lựa chọn đi trước trong đầu tư vào các công nghệ dường như là một chiến lược đúng đắn giúp công ty thu về những thành quả nhất định.

Ông Ghose cho biết sau khi mô hình kinh doanh được số hóa, cùng với quy trình cho vay đơn giản sử dụng hợp đồng và chữ ký điện tử, FE Credit đã có thể tiếp cận với gần gấp ba số lượng khách hàng mà trước đây họ có thể tiếp cận thông qua các kênh bán hàng truyền thống.

 

Về phía khách hàng, những gì họ sẽ nhận được từ các sản phẩm và dịch vụ cho vay tự động của FE Credit là một trải nghiệm chân thực, với thời gian nhanh hơn, tiết kiệm chi phí đi lại và lãi suất vay rẻ hơn nhờ chi phí hoạt động thấp hơn mà công ty có thể tiết kiệm thông qua các quy trình tự động của mình.

Khi thí điểm nền tảng cho vay tự động $NAP, số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân tăng trung bình đến 280% mỗi tháng. Tính đến cuối tháng 11/2018, số lượng đăng ký vay đã đạt gần 150.000 và hiện tại có khoảng 2.000 lượt đăng ký mỗi ngày.

Nhờ các sản phẩm và nền tảng cho vay tự động, FE Credit đã được công nhận là một trong những công ty cung cấp các giải pháp tài chính tốt nhất thế giới tại Singapore FinTech Festival 2018.

Vươn xa hơn

Chuyển đổi mô hình kinh doanh không chỉ đơn giản giúp FE Credit đẩy mạnh việc bán hàng và tăng doanh thu trong khi thị trường tài chính tiêu dùng tăng trưởng chậm lại mà còn là bước chuẩn bị chiến lược nhằm tiếp cận các thị trường địa lý xa hay các phân khúc khách hàng chưa được khai thác.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Dịch vụ Tài chính tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), đầu tư hợp lý vào công nghệ, đặc biệt là các công nghệ giúp cải thiện thủ tục, có thể giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ sai sót do con người tạo ra, hạn chế mất dữ liệu đồng thời nâng cao hiệu quả của hệ thống cho vay. Công nghệ cũng có thể đóng vai trò là nền tảng cho các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa để khai thác một lực lượng dân số chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, cùng lúc tạo điều kiện cho các công ty tài chính tăng trưởng trong tương lai.

 

Theo ông Ghose, chi phí đầu tư vào công nghệ số hóa tại FE Credit chiếm khoảng 0,1% doanh thu và 0,3% lợi nhuận trong năm ngoái. Để cắt giảm chi phí, công ty đã dành thời gian và nỗ lực để thiết lập các giải pháp công nghệ và sử dụng chúng trên cơ sở hợp tác với các đối tác.

Ông chia sẻ thêm, mảng kinh doanh thẻ tín dụng của công ty được đầu tư để trở thành động lực tăng trưởng của FE Credit trong 5 năm tới, với mục tiêu mở thêm 100,000 thẻ mới mỗi tháng và tham vọng trở thành công ty phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Theo Reatimes.vn