Nhà máy nước chưa nghiệm thu đã cấp nước cho dân
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 đến nay và hồ sơ về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống (Nhà máy nước Sông Đuống). Hồ sơ, tài liệu bàn giao theo quy định trước ngày 30/9/2020.
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống thuộc Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch, bà Liên là Chủ tịch Tập đoàn Aqua One.
Được biết, nhà máy nước Sông Đuống do Tập đoàn Aqua One làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, có công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án dự kiến sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.
Với công suất này, nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người, chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Mặc dù Nhà máy nước Sông Đuống được đưa vào vận hành cung cấp nước sạch cho người dân từ tháng 9/2019 nhưng đến tận thời điểm cuối tháng 10/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết vẫn chưa hoàn tất quá trình nghiệm thu, trong khi nhà máy này lại đang cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch/ngày đêm cho người dân Hà Nội sử dụng.
Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, thời điểm cuối tháng 10/2019, theo quy định của Luật Xây dựng thì chủ đầu tư (Tập đoàn Aqua One) phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chỉ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Trước đó, Cục Giám định Nhà nước đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn I, đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra, chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan việc bảo đảm an toàn đường ống cấp nước, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống. Vì vậy, Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu nhà máy.
Cũng theo Cục Giám định, dự án Nhà máy nước Sông Đuống sử dụng 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước, thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước nên Cục Giám định sẽ có ý kiến sau khi nhận đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư.
Ai cấp phép cho Nhà máy nước Sông Đuống "lấn làn" cung cấp nước sạch?
Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch cấp nước Thủ đô) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 499 ngày 21/3/2013 với quan điểm quy hoạch là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch cấp nước 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2030 cũng như Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 cùng hàng loạt quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đó.
Trên cơ sở mục tiêu khai thác tối ưu các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch với chất lượng bảo đảm, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô cũng như bảo đảm khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý và ưu tiên nước mặt, dần thay thế nguồn nước ngầm, Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng Hà Nội sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Sông Hồng và Nhà máy nước Sông Đuống.
Phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đuống bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Tương tự, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà và phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Hồng cũng được ấn định rất rõ trong quy hoạch.
Tuy nhiên, theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ký ngày 3/6/2016, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đuống bao phủ quận Long Biên (14 phường), huyện Gia Lâm (22 xã), huyện Đông Anh (20 xã), huyện Sóc Sơn (26 xã), các khu đô thị, công nghiệp trên đường 179, quận Hoàng Mai (14 phường), huyện Thanh Trì (15 xã), huyện Thường Tín (29 xã) và huyện Phú Xuyên (28 xã).
Như vậy, so với phạm vi cấp nước cho Nhà máy nước Sông Đuống được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 tại Quy hoạch cấp nước Thủ đô, thì Quyết định của UBND TP Hà Nội "thêm" địa phận Sóc Sơn trong danh sách các địa phương được cấp nước bởi Nhà máy nước Sông Đuống.
Ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục ký ban hành Quyết định số 3846 chấp thuận liên danh Công ty Cổ phần Nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (chủ đầu tư Nhà máy nước Sông Đuống) là nhà đầu tư dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm.
Trong số này, Sóc Sơn là địa bàn huyện không hề được nhắc đến trong phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Đuống trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký năm 2013. Chưa kể theo quy hoạch, một phần khu vực đô thị phía Bắc Hà Nội (Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn) lại thuộc phạm vi cấp nước của Nhà máy nước Sông Hồng. Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất từ Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, đến đầu năm 2020, đường ống truyền dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đuống chưa được lắp đặt để cấp nước trên địa bàn huyện, dẫn đến người dân Sóc Sơn chưa được sử dụng nước sạch.
Năm 2019, Quyết định số 4491 của UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống triển khai tuyến ống truyền dẫn nước sạch DN800 trên đường 70 đoạn từ Quốc lộ 1A đến Cầu Bươu - Hà Đông, mặc dù Nhà máy nước Sông Đà đang khai thác khu vực này từ lâu.
Không những thế, những ồn ào của Nhà máy nước Sông Đuống tiếp tục nổi lên khi mà dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về giá nước mà doanh nghiệp này đưa ra.
Cụ thể, khi đó ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội, đã từng phát biểu: Tổng mức đầu tư của Nhà máy nước Sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng/m3 nước.
Giá nước sạch tạm tính tối đa của nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ" cụ thể là: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%. Trên cơ sở tính toán của liên bộ thì nước sạch sông Đuống có giá tạm tính 10.246 đồng/m3. Đây chỉ là mức tạm tính tối đa, còn cụ thể thì chỉ khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức. Nếu giá tạm tính là 10.246 đồng/m3 thì cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Vì vậy, TP Hà Nội đã hiệp thương với Công ty CP Nước mặt Sông Đuống và các đơn vị phân phối, theo nguyên tắc giá bán buôn không được phép cao hơn giá bán lẻ.
Tuy nhiên, sau đó Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội đã buộc phải nghiêm túc rút kinh nghiệm vì "phát biểu rất sai lầm" trên, đồng thời khẳng định giá nước bán cho người dân từ năm 2013 đến nay không thay đổi. TP có thỏa thuận cho Nhà máy nước Sông Đuống mức giá nước 10.246 đồng "là để phục vụ cho họ lập dự án".
Cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 2055 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, ngoài yêu cầu phải đảm bảo kế thừa Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Quyết định 2055 cũng giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh phạm vi cấp nước của các nhà máy nước có quy mô lớn cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của Thủ đô.
Tuy nhiên từ cuối năm 2017 đến nay, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm xây dựng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, lấy ý kiến thẩm định từ các bộ ngành, cơ quan liên quan. Cho đến thời điểm hiện nay, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mặc dù chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhưng UBND TP Hà Nội lúc bấy giờ vẫn đặt bút đề ra nhiều quyết định "táo bạo" để hợp thức hoá cho hoạt động của Nhà máy nước Sông Đuống?!