Phát triển đô thị nén chưa hiệu quả

Đô thị nén đang là giải pháp cho các đô thị hiện nay (Ảnh minh họa)

Dân số tăng từng ngày trong khi diện tích đất thì ngày một hạn hẹp khiến áp lực về nhà ở tại các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM ngày một lớn hơn. Đô thị “nén” đã ra đời và trở thành một giải pháp tất yếu.

Chúng ta có thể hiểu, đô thị nén là đô thị có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên, có ranh giới rõ ràng với các khu vực xung quanh, có khả năng tự cung cấp đầy đủ dịch vụ.

Tuy nhiên, việc phát triển các đô thị nén ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bởi mật độ dân số trong các khu đô thị đó khá cao, còn hạ tầng xung quanh thì chưa thể đáp ứng được.

Theo ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam:  Đô thị nén không có lỗi gì hết, vấn đề là chúng ta có nên làm hay không. Khi làm đô thị nén chúng ta phải có chiến lược của nó. Nói chung là ở cơ chế đầu tư để tạo điều kiện phát triển chiều cao vừa chỉnh trang đô thị vừa thay đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với đô thị hiện đại, bên cạnh đó mình vẫn giữ gìn cái đô thị truyền thống của mình.

Đồng quan điểm với ông Mười, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết, chúng ta phải làm thế nào để nghiên cứu, tổ chức không gian kiến trúc nhà cao tầng. Đó không chỉ đơn lẻ mà còn là tổ hợp không gian kiến trúc để tạo nên điểm nhấn cho đô thị, tạo nên tổng quan hiện đại và quan trọng là người dân sống trong khu đô thị đấy phải hưởng được tất các vấn đề văn minh cũng như là những lợi ích mà đô thị mang lại

Không thể phủ nhận việc phát triển đô thị nén ở Việt Nam là việc làm tất yếu. Nhưng để có thể phát triển nó một cách hiệu quả, còn phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược quy hoạch của các cấp quản lý nhà nước.

Bài toán về hạ tầng

Cần chú ý đến hạ tầng cơ sở đối với các khu đô thị (Ảnh minh họa)

Cần chú ý đến hạ tầng cơ sở đối với các khu đô thị (Ảnh minh họa)

Trên tổng quỹ đất đô thị, theo quy định chung thì 60% diện tích đất sẽ dành cho đất giao thông, đất công cộng, cây xanh và các loại khác, còn lại là diện tích đất ở. Tuy nhiên hiện nay, bản thân 40% diện tích đất dành cho phát triển nhà ở đó cũng chỉ có 40% diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ. Rõ ràng, cơ cấu sử dụng đất hiện nay đang mất cân đối nghiêm trọng. Việc quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hạn chế đã dẫn đến các hiện tượng trông thấy như ách tắc giao thông, thiếu các tiện ích, sân chơi, công viên...

TS khoa học – Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Công ty Ngô Viết, Canada, chia sẻ: Tôi cũng đồng ý với ý kiến là nhà cao tầng không có lỗi nhưng nhà cao tầng phải đi đôi với hạ tầng, đi trước một bước là nhà cao tầng có lỗi. Bởi vì cái vấn đề nằm ở chỗ chúng ta quản lý như thế nào? Giải pháp công cộng phải đi đôi với đô thị nén mới hiệu quả nếu không TP sẽ phải bù lỗ rất là nhiều.

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia, Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore: Không phải câu chuyện là nhà cao hay thấp mà là câu chuyện chúng ta quản lý mật độ, dân số/ha bao nhiêu thì chấp nhận được.

“Như tôi đã ví dụ, mật độ ở Hà Nội hiện nay cao hơn ở Singapore nhưng ở Singapore mô hình của họ là xây nhà cao tầng nên trông thành phố rất là xanh vì họ để lại khoảng trống trên mặt đất rất là nhiều, nhiều không gian xanh… Trong khi chúng ta có cùng 1 mật độ (khoảng 400 người/ha) nhưng chúng ta dồn nén xuống mặt đất nên chúng ta không có một không gian để thở, để đi lại, để bố trí tiện ích cho người dân”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đã có những ví dụ rất điển hình trong việc quy hoạch, phát triển đô thị ở các nước phát triển trên thế giới. Như Hồng Kông có diện tích khoảng 1.100 km2 nhưng họ chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200 km2. Tương tự với Singapore cũng có hơn 700 km2 nhưng chỉ phát triển trong 250 km2.

Diện tích phát triển đô thị của các thành phố nói trên rất nhỏ trong khi nòng cốt của họ là tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng. Nếu so với TP. HCM, sẽ thấy diện tích phát triển đô thị rất lớn. Trong khi đó vận tải hành khách công cộng lạc quan lắm cũng chỉ chiếm 10%.

Còn tại Hà Nội, theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3800ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị trên đầu người là 100 m².

Tuy nhiên, theo các đánh giá thực tế, tại khu vực nội đô lịch sử Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất do số lượng nhà ở đặc biệt là nhà cao tầng không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho biết: Ở đây chúng ta đặt ra là vậy, nhưng chúng ta có tuân thủ theo quy hoạch hay không? Trong quy hoạch đô thị hiện nay được biết là chúng ta đã quản lý rất chặt chẽ mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao… Thế nhưng rõ ràng là chúng ta chưa tuân thủ theo quy hoạch này. Một mặt có thể là quy hoạch đấy chúng ta làm chất lượng chưa cao, mặt khác là chúng ta quản lý quy hoạch đó chưa tốt

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia, Công ty tư vấn CPG Consultants Singapore, quan ngại: Mô hình ở Việt Nam vẫn là nhà nước chạy theo nhà đầu tư. Nhà đầu tư xây dựng, sau đó tạo ra những cái áp lực về hạ tầng giao thông và cuối cùng nhà nước đi sửa cái áp lực đấy.

Theo congluan.vn