Đây chính là nội dung chính được các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận tại phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra tại Hà Nội ngày 10/11, do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì tổ chức.
Nền tảng để đổi mới
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư PGS. TS Nguyễn Văn Thành cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) từ năm 2011 đặc trưng là Robot, kết nối hệ thống thế giới thực với thế giới ảo và xuất hiện xu hướng phát triển mô hình thành phố: Thành phố xanh (Green city), Thành phố sinh thái, đa dạng sinh học (Eco - city), Thành phố vườn (Garden city), Thành phố sinh thái - thành phố kinh tế (ECO2)...
Ở Việt Nam, mô hình thành phố thông minh (Smart City) đang được đặc biệt quan tâm để giải quyết nhu cầu, mong muốn của cộng đồng, đặt công dân lên ưu tiên số một và giảm rào cản giữa công dân với cơ quan sở, ngành và Chính phủ. Đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững bằng cách sử dụng công nghệ sáng tạo.
“Quá trình đô thị hóa tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, 75% sản phẩm kinh tế toàn cầu được sinh ra tại các TP, ở nhiều nước đang phát triển, đô thị đã chiếm đến hơn 60% tổng GDP cả nước. Quá trình đô thị hóa không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo ra cơ hội phong phú đa dạng cho hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Vì vậy, phát triển đô thị thông minh sẽ trở thành “chìa khóa” để tăng trưởng kinh tế, nền tảng thúc đẩy xã hội khởi nghiệp” – PSG. TS Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.
Cần chính sách cụ thể
Cũng theo PSG. TS Nguyễn Văn Thành, việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn Cách mạng công nghệ 4.0 đang đối diện với rủi ro nhất định, như: Không gian mạng tấn công vào nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng; Các quốc gia, tổ chức, cá nhân đang chạy đua để không bị tụt hậu, nhưng phần lớn không chắc chắn là công nghệ sẽ phù hợp với nhau như thế nào?...
“Tất cả những thay đổi sâu sắc trong giai đoạn phát triển công nghệ hiện nay đều có xu hướng gây tác động lớn. Công nghệ kết nối các mạng khác nhau thành cuộc sống hiện đại và kết hợp thành "hệ thống của các hệ thống" phức hợp, trong đó rủi ro trở nên khó xác định, thậm chí khó đo lường và quản trị hơn. Vì vậy, cần phải có một công cụ riêng để quản lý” - PSG. TS Nguyễn Văn Thành cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav Vũ Thanh Thắng, ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng đô thị thông minh có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan quản lý điều hành tất cả hoạt động trong một hệ thống thông minh. “Tuy nhiên, ở Việt Nam quá trình này đã nảy sinh một số vấn đề, như: Cần phát triển, chuẩn hóa cơ sở hạ tầng ICT để hỗ trợ toàn bộ tiềm năng của AI; Chi phí cho giải pháp và thiết bị ứng dụng AI nhập ngoại rất cao... do đó doanh nghiệp trong nước cần chủ động phát triển và Chính phủ cũng cần phải xây dựng một chính sách cụ thể làm công cụ quản lý nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong đô thị thông minh do giá trị mà AI mang lại” - ông Vũ Thanh Thắng cho hay.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-do-thi-thong-minh-nen-tang-thuc-day-xa-hoi-khoi-nghiep-440519.html