Cần lời giải cho phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu cần lời giải

Đầu tháng 2/2022, tờ New York Times đăng một bài phân tích dài với tựa đề "Bình thường hóa chuỗi cung ứng: Điều không thể trong năm 2022".

Có thể thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, mùa báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa qua đã phần nào chỉ ra những tác động trực tiếp của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tesla, nhà sản xuất ô tô điện của tỷ phú Elon Musk không phải là công ty duy nhất cảnh báo nguy cơ thiếu chip và nguyên vật liệu ảnh hưởng đến triển vọng doanh số các quý tiếp theo.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tiếp tục kiên định với chủ trương Zero Covid. Nhà kinh tế trưởng Vincent Stamer, người đứng đầu Kiel Trade Indicator cho rằng các đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và lập trường Zero Covid của chính phủ Bắc Kinh thông qua các phản ứng phong tỏa địa phương, đóng cửa nhà máy đang gây ra những tác động đáng kể cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, có tình trạng lượng hàng hóa mắc kẹt trên các container đang tăng trở lại.

Theo quan sát mới nhất của Viện Kinh tế Kiel Trade Indicator công bố hôm 20/1 về dòng chảy thương mại qua Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu, dọc theo tuyến đường thương mại quan trọng giữa châu Âu và châu Á, số lượng hàng hóa vận tải đang thấp hơn 15% so với thời điểm thông thường. Lần cuối cùng lượng hàng vận tải giảm mạnh như vậy là giữa năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Một chỉ số theo dõi áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu do các nhà kinh tế từ Cục Dự trữ Liên bang FED chi nhánh New York theo dõi cũng cho thấy những thách thức lớn của chuỗi cung ứng có nguy cơ gây thêm áp lực cho lạm phát giá sản xuất và tiêu dùng. Mặc dù FED New York cho rằng thời điểm tồi tệ nhất có thể đã qua đi nhưng việc bình thường hóa chuỗi cung ứng không phải là vấn đề một sớm một chiều.

Phục hồi chuỗi cung ứng quyết định thành công của phục hồi kinh tế
Phục hồi chuỗi cung ứng quyết định thành công của phục hồi kinh tế

Nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets của Citigroup đồng thời là cựu thứ trưởng Tài chính Mỹ thì cho biết, áp lực chuỗi cung ứng này có nguy cơ kéo dài hết năm 2022 và thậm chí sang cả năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,9% xuống 4,4%, viện dẫn một trong những nguyên nhân chính là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chỉ nửa năm trước đó, nhiều dự báo cho rằng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tiến tới bình thường hóa từ giữa năm 2022. Nhưng khi thế giới bước vào quý I/2022 và tình trạng ùn tắc tại các cảng không có dấu hiệu giảm bớt, lạm phát tiếp tục tăng mà phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ chuỗi cung ứng đình trệ, người ra bắt đầu nhận ra một thực tế đáng quan ngại: thời gian không thể nào giúp chuỗi cung ứng bình thường hóa.

Để bình thường hóa chuỗi cung ứng, thế giới sẽ cần nhiều rất nhiều tiền: tiền đầu tư cho công nghệ, tiền cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tiền đào tạo nhân lực. Cần nhiều tàu, nhiều nhà kho, nhiều xe tải, nhiều nhân công, tài xế và tất nhiên, cần nhiều thời gian để tất cả những điều đó vận hành. Tức là sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để những hỗn loạn lắng xuống.

10 kiến nghị phục hồi chuỗi cung ứng ở Việt Nam

Tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần thứ 24 với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” ngày 21/2, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Tấn Công, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhận định: “Chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước đang đối mặt nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh Covid-19 và những biến động khó lường của xung đột thương mại, thiên tai…”.

Ông Nguyễn Tấn Công cho biết, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của Chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.

"Phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của Chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam".

Điều này tương tự với đánh giá của PWC rằng so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát đại dịch và nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. “Trong bối cảnh đất nước đã chuyển từ giai đoạn ứng phó khủng hoảng sang phục hồi và phát triển, câu hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để phục hồi chuỗi cung ứng cũng như chuẩn bị sẵn sàng hơn cho những cú sốc trong tương lai?”.

Bài toán này không chỉ cần giải pháp chủ động, linh hoạt từ doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các bộ ban ngành, các cấp lãnh đạo trong việc tạo điều kiện phục hồi, phát triển chuỗi cung ứng.

Tại Diễn đàn VBF, Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh đã trình bày 10 kiến nghị của VCCI nhằm hướng tới khôi phục kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong điều kiện bình thường mới.

Đặc biệt, trong 10 kiến nghị là kiến nghị liên quan đến việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Tổng thư ký VCCI, việc hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như tạo điều kiện thêm thời gian cho doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là cần thiết.

Liên quan đến phục hồi chuỗi cung ứng lao động, VCCI đề xuất tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho lao động, chuyên gia nước ngoài theo hướng áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, đề xuất nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, các giải pháp phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, cần giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động.

Một kiến nghị quan trọng không kém là phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Đồng thời, trên cơ sở lấy phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế, VCCI đề xuất tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số…

Đề xuất tiếp theo, VCCI cho rằng cần có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA để tận dụng lợi thế từ FTA như một động lực của phục hồi và phát triển.

Liên quan đến các cải cách thể chế, VCCI kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…

Song song, đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Đống thời, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh để tăng hiệu quả tiếp cận thông tin chính sách cũng như các quy định hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền thông qua các giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, từ đó củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân.

Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh: “Cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh”.

Theo Kinh Tế Môi Trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phuc-hoi-chuoi-cung-ung-quyet-dinh-thanh-cong-cua-phuc-hoi-kinh-te-64414.html