Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Bãi xe trái phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Tình trạng "khan" điểm trông giữ xe ô tô trong khi nhu cầu ngày một tăng ở Hà Nội khiến các bãi trông giữ xe không phép mọc lên như nấm. Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra công khai trước mặt các cơ quan quản lý địa phương.

Ghi nhận thực tế của PV,  bãi đỗ xe lấn chiếm toàn bộ vỉa hè hoạt động ngang nhiên trên mặt đường Nguyễn Cảnh Dị (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). Theo quan sát, bãi xe nói trên ở ngoài trời, có rất nhiều xe ô tô đang đậu, đỗ, gửi tại đây, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy hoặc nếu có cũng chỉ mang tính chất đối phó, sẽ vô cùng nguy hiểm khi có sự cố xảy ra.

Bãi xe lấn chiếm toàn bộ vỉa hè trên đường Nguyễn Cảnh Dị (Đại Kim, Hoàng Mai, HN).

Được biết, mức giá trông giữ xe tại điểm trông giữ xe trái phép trên có giá trông xe theo tháng dao động từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/1 xe ô tô, tùy loại. Việc thu tiền trông xe này không hề có hóa đơn, chứng từ mà chỉ thỏa thuận, giao dịch với nhau bằng miệng.

"Bãi xe này đã tồn tại từ khá lâu nhưng không hiểu sao đến thời điểm hiện tại vẫn không bị xử lý, ngày nào cũng hàng chục xe đỗ kín vỉa hè, không còn không gian cho người đi bộ di chuyển, chúng tôi buộc phải đi dưới lòng đường, rất nguy hiểm cho chính bản thân người dân và cả các phương tiện tham gia giao thông khác" - một người dân sinh sống tại địa phương cho biết.

Mỗi ngày, điểm trông giữ xe này thường có đến cả trăm lượt xe ô tô ra - vào. Chỉ cần tính nhanh, số tiền thu được hàng tháng tại các bãi gửi xe này là rất lớn. Thế nhưng, số tiền này sau đó “trôi” về đâu và ai quản lý, sử dụng, nộp ngân sách ra sao vẫn là câu hỏi được dư luận đặt ra nhưng mãi chưa có câu trả lời từ chính quyền địa phương.

Hàng chục xe ô tô đỗ trên vỉa hè, cạnh Trung tâm chăm sóc xe Đại Kim

Theo tìm hiểu của PV, bãi xe này đã hoạt động từ lâu, liên quan đến vấn đề này bà Bùi Thị Kim Khuê - Phó Chủ tịch phường Đại Kim từng cho biết: “Mật độ dân số trên địa bàn phường rất đông, nhưng chưa có một bãi đỗ xe nào hoạt động mà được cấp phép theo quy định của nhà nước. Một số điểm nằm trong quy hoạch của thành phố được cấp phép làm bãi trông giữ xe nhưng các dự án đang chậm tiến độ triển khai, trong khi nhu cầu gửi của người dân là rất cao, rất cần các điểm trông giữ xe, điểm đỗ xe tĩnh”.

Thế nhưng, đã một thời gian dài sau chia sẻ đó của lãnh đạo phường, đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục, xử lý triệt để. Phải chăng, cứ viện lý do không có bãi đỗ xe nên được phép "dung túng" cho các bãi đỗ trái phép, không đảm bảo các điều kiện cơ bản về phòng cháy chữa cháy?

Không chỉ vậy, dọc các tuyến phố quanh khu vực này như đường Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Công Thái, Đặng Xuân Bảng... xuất hiện "nhan nhản" các phương tiện dừng, đỗ, lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị và cản trở việc di chuyển và tiềm ẩn tai nạn giao thông đối với người đi bộ. "Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, đáng lên án, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân" - đại diện cư dân phường Đại Kim bày tỏ.

Đường nguyễn Công Thái...

Về thực trạng này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng nêu quan điểm: “Khi vỉa hè bị chiếm giữ, đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự ATGT, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng”. 

Khu vực đường Đặng Xuân Bảng, các phương tiện giao thông dừng, đỗ bất chấp biển cấm

Để khách quan thông tin, PV đã liên hệ với ông Phạm Hải Bình - Chủ tịch UBND phường Đại Kim. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này từ chối trả lời ngay và cho biết sẽ chỉ phản hồi sau khi nhận được công văn.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, các hoạt động bị cấm trên đường bộ:

a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;

i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.

Chính sách pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc, từ ý thức người dân đến cơ chế quản lý còn lỏng lẻo khiến thực trạng này vẫn xảy ra tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội? Chính quyền địa phương có đang "nhắm mắt làm ngơ" cho các sai phạm nói trên?

Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ".

Chờ khắc phục đến bao giờ?

Được biết, quản lý trật tự đô thị các vấn đề về vỉa hè, đường do UBND phường quản lý, còn về xử lý các vi phạm trật tự đô thị như lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh thì công an phường xử lý. Đối với các bãi giữ xe trái phép, cấp phường chỉ có thể làm văn bản tham mưu lên và việc xử lý sai phạm này thuộc thẩm quyền của công an quận. Tuy nhiên, tại sao sai phạm vẫn ung dung tồn tại trong một thời gian dài, trách nhiệm chính thuộc về phường do báo cáo chậm hay phía quận "ngó lơ" không xử lý? 

Thực trạng khan hiếm các bãi đỗ xe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên trên địa bàn quận Hoàng Mai nói riêng và các quận nội thành khác nói chung khiến các sai phạm về tổ chức trông giữ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đỗ xe trái phép trên vỉa hè, lòng đường... vẫn ngang nhiên hoạt động.

Chờ khắc phục, xử lý vi phạm đến bao giờ ?

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 2524, yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố. Các vi phạm chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện; tự tổ chức khai thác các bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; trông giữ quá diện tích được cấp phép... tập trung chủ yếu tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để giải quyết nhu cầu cấp bách về trông giữ xe cho người dân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã báo cáo, đề xuất UBND Thành phố cho phép tổ chức triển khai trông giữ xe tại các khu đất xen kẹt, đất dự án nhưng chậm triển khai để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân và giao cho UBND các quận, huyện quản lý nhưng phải đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, có quy trình trông giữ, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các điểm trông giữ phải đảm bảo các vị trí ra, vào bãi trông giữ xe tiếp giáp với đường, phố phải được gia cố nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông, bố trí nhân viên hướng dẫn phương tiện ra vào. Ngoài ra, đối với khu vực lòng đường, vỉa hè chiều rộng đảm bảo theo quy định, ngoài các văn bản nêu trên, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo đề xuất UBND thành phố phê duyệt danh mục các tuyến đường, phố đủ điều kiện trông giữ xe để làm căn cứ tổ chức lựa chọn các đơn vị trông giữ có năng lực trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường trên địa bàn thành phố (hiện tại, UBND thành phố đã xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải trước khi phê duyệt).

Tuy nhiên, giải pháp khắc phục có nhưng không nhiều các điểm trông giữ xe thực hiện đúng các quy trình, quy định trên.

Trả lời về vấn nạn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng từng nhấn mạnh: "Yêu cầu xử lý nghiêm các bãi trông giữ xe trái phép, gây mất trật tự giao thông và trật tự đô thị, đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự".

Nếu vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi vẫn tiếp tục tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, từ các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, có biện pháp mạnh xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Theo Trúc An/Đô thị mới