Theo đó, sẽ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. 

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ: Quyết định 3610a về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã động chạm đến khoảng 16 ngành nghề được quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014.

Trong đó có rất nhiều ngành nghề được xã hội hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua như kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí hóa lỏng, kinh doanh hóa chất, kinh doanh rượu, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh logistic, kinh doanh dịch vụ giám định thương mại...

 

Trả lời cho câu hỏi việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh lần này có tác động ra sao tới doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: Thị trường xăng dầu là thị trường tương đối đặc biệt. Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng với nền kinh tế quốc gia, nó là đầu vào cho rất nhiều ngành sản xuất, cho giao thông vận tải.

Và để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho đất nước, mấy chục năm qua, Việt Nam đã duy trì nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước dưới sự chỉ đạo hết sức chặt chẽ của Chính phủ, cũng như Bộ Thương mại trước đây, bây giờ là Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, hiện nay xã hội đã rất phát triển, nếu chúng ta có thể đưa thêm các doanh nghiệp vào thị trường xăng dầu làm tăng tính cạnh tranh của thị trường thì giá thành và việc cung ứng xăng dầu và giá cả sẽ được cải thiện hơn so với thời gian trước đây.

Chính vì lý do đó, cơ quan quản lý đã cân nhắc trên cả hai phương diện, một là vẫn bảo đảm quản lý nhà nước, bảo đảm cung ứng mặt hàng rất quan trọng này, bên cạnh đó làm thế nào để thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh hơn. Bởi vậy, cần phải cân nhắc, xóa bỏ các điều kiện và hợp lý hóa một số điều kiện khác.

Khi mà mình giảm các điều kiện như thế thì khả năng là yêu cầu vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể phải đi thuê kho bãi hay máy móc thiết bị. Và khi ấy sẽ lại xuất hiện một hình thức kinh doanh mới là cho thuê, như thế sẽ giảm chi phí gia nhập thị trường, đồng thời chia sẻ rủi ro kinh doanh.

Ông Trần Quốc Khánh cũng chia sẻ, lần cắt giảm này Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cho thành lập Tổ công tác về cải cách hành chính của Bộ, thành viên gồm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và một loạt thủ trưởng các đơn vị có liên quan.

Tổ công tác đã hệ thống hóa, rà soát từng điều kiện trên cơ sở năm tiêu chí, sau đó thảo luận và thống nhất báo cáo Bộ trưởng ký quyết định ban hành.

675 điều kiện ban hành nhiều hơn dự kiến ban đầu (khoảng 600-610 điều kiện). Dư luận khá bất ngờ trước quyết định này của Bộ Công Thương, họ đọc rất kỹ và xem Bộ nói vậy nhưng có thực sự như vậy không?

Thực tế trong quá trình đó họ đã phát hiện ra có 18 điều kiện đã thông báo xóa bỏ rồi, nhưng vẫn xuất hiện trong phụ lục kèm theo Quyết định.

Theo Vân Hà/Reatimes