Xu hướng phát triển theo chuỗi giá trị
Các chỉ số xuất khẩu của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp tình hình dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái là 80 tỷ USD.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng 13%, đây cũng là nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất chiếm 16,8%, đạt 35,7 tỷ USD.
Theo báo cáo của Savills, nhóm ngành này đang dẫn đầu về mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ năm 2016 đến tháng 8/2021.
Xét về tốc độ tăng trưởng, nhóm ngành điện tử, máy tính và linh kiện vẫn duy trì được đà tăng trưởng từ năm ngoái, đạt mức 15,8%, tương ứng với 31,3 tỷ USD. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành này ghi nhận sự bứt phá khi vượt qua hàng dệt may từ năm 2019 đến nay.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của dệt may và giày dép chiếm tỉ trọng nhỏ hơn so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt ở mức 10% và 6%.
Có thể thấy, sau điện thoại và linh kiện, nhóm ngành xuất khẩu chủ lực đang chuyển dần từ mặt hàng giá trị gia tăng thấp như quần áo và giày dép sang những sản phẩm mang lại giá trị cao hơn như điện tử và linh kiện.
Nói cách khác, tỷ trọng sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự thay đổi về định hướng của ngành công nghiệp.
Xét về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, ngành sản xuất và chế tạo đang ghi nhận giá trị năm 2021 chiếm 53,4% tổng vốn, tăng 16,45% so với cùng kỳ. Cụ thể, lượng vốn đầu tư FDI đạt 11,83 tỷ USD với 402 dự án mới được phê duyệt.
Theo chuyên gia từ Savills, xét về bức tranh FDI của ngành trong vòng một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị. Trong đó, ngành thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức 19,29% tổng vốn.
Tiếp theo sau là điện tử và máy tính với 17,14%. Giấy, nhựa và cao su lần lượt chiếm 14,66% và 13,54%. Trong khi đó, các mặt hàng dệt may, may mặc và thực phẩm chỉ ghi nhận vốn đầu tư dưới 4% cho mỗi ngành.
Lý giải cho sự chuyển dịch này, ông John Campbell, quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết: Trong 20 năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong khu vực châu Á.
Theo ông John Campbell, bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á.
Nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, chuyên gia của Savills nói.
Tình hình ngành công nghiệp tại hai miền có sự khác nhau
Miền Bắc đang thu hút nhiều vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào nhóm ngành thiết bị điện tử. Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành sản xuất khu vực phía Bắc nhận được nhiều vốn FDI đăng ký mới nhất cả nước, đạt 3,99 tỷ USD và chiếm 72,92%. Trong đó, thiết bị điện dẫn đầu các ngành hàng với mức đầu tư chiếm tỷ trọng 18%. Theo sau là máy tính và điện tử với 16%.
Bên cạnh đó, 4 trên 5 dự án đầu tư lớn vào vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Bắc trong 9 tháng đầu năm đều tới từ nhóm ngành có giá trị gia tăng cao.
Trong khi đó, tình hình sản xuất ở vùng kinh tế phía Nam cho thấy một bức tranh khác. So với miền Bắc, các dự án đầu tư tại miền Nam trong 9 tháng đầu năm có quy mô vốn nhỏ hơn, vẫn tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất, chế tạo truyền thống.
Nguồn vốn FDI đăng ký mới được phân bổ đồng đều cho các lĩnh vực nhựa và cao su, dệt may, thực phẩm, giấy và may mặc, quanh mức 2-3% mỗi ngành.
Nhận xét về xu hướng phát triển của ngành, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ: Các doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng nâng cao công nghệ và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển sang mô hình sản xuất sạch và sản phẩm công nghệ cao nhằm thích ứng với nhu cầu từ khách hàng.
Bởi vậy, nhà phát triển bất động sản cần lưu ý để cung cấp những khu công nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Việc phát triển các ngành hàng trong chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp Việt Nam. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong các chiến lược 4.0 vào năm 2030 nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình. Thêm vào đó, công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7-14 tỷ USD trong tương lai.
Để nâng cao năng lực sản xuất, các doanh nghiệp đang tích hợp các công nghệ mới nổi tại nhà máy như trí tuệ nhân tạo hay in mô hình 3D. Hiện tại, Vingroup đã bắt đầu sử dụng 1.200 robot ABB trong một số quy trình hàn của mình.
Công ty Cổ phần Công nghiệp KTG - một nhà phát triển Xưởng xây sẵn tại Việt Nam đã bắt đầy xây dựng các Xưởng xây sẵn 4.0 tại tỉnh Đồng Nai. “Nhà máy Công nghiệp 4.0” của họ sẽ tích hợp các bất động sản công nghiệp xây sẵn với công nghệ 4.0 - cung cấp các giải pháp thông minh hơn, sáng tạo hơn và tối ưu hơn cho tầm nhìn phát triển của khách thuê.
Nguồn: https://congluan.vn/su-chuyen-minh-day-manh-me-cua-nen-kinh-te-viet-nam-post174039.html