Tôi có người bạn làm đông y ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tôi vốn hay bị cảm lạnh nên mỗi lần bị trúng gió thường đến đây nhờ chữa trị. Phương pháp chữa không phải bấm huyệt hay châm bằng kim, mà chủ yếu là cứu bằng ngải vào các huyệt.
Một lần khi đến chữa bệnh, tôi gặp cô thầy thuốc chữa cho tôi và bà mẹ chồng đang chờ nhau để làm bếp. Lát sau khi cứu ngải cho tôi, cô than thở: “Nhà có một cái bếp nhiều khi khổ thế đấy bác ạ”. Tôi hỏi: “Thế vợ chồng cô vẫn ăn chung với bà à?”. “Không! Ăn riêng lâu rồi. Nhưng chật chội nên nhà em vẫn dùng chung bếp với bà”.
Sau khi cứu xong, đắn đo mãi tôi mới nói: “Cái bếp cô dùng chung với bà, có vẻ không ổn đâu”. “Sao ạ?”. “Vợ chồng cô sổ hộ khẩu riêng, đúng không?”. “Vâng ạ”. “Như vậy đã là một hộ riêng, gia đình riêng. Trong gia đình thì quan trọng nhất là cái bếp. Nhà mà không có bếp chưa phải là một hộ gia đình đầy đủ”.
Cô bạn tôi ớ người ra. Tôi nói thêm: “Phòng khách, phòng ngủ không có thần, nhưng bếp lại có thần cai quản”.
Cô suy nghĩ một lúc rồi hỏi: “Thế em phải làm sao bây giờ? Nhà em chật thế, sao có thể ngăn thêm làm bếp được?”.
Nói thêm về hoàn cảnh của người bạn: Bố mẹ chồng được chia một gian nhà ở một khu tập thể phố Lý Thường Kiệt. Gian nhà ở bên trong, dãy nhà bếp lại ở mặt đường. Cái thời bao cấp thì chuyện này không ai để ý, bếp vẫn là bếp. Nhưng đến thời mở cửa, bung ra thì một mét vuông đất mặt phố đã là cả một vấn đề.
Vì vậy, các gia đình ở đây đều ngăn gian bếp, dành không gian mặt phố làm cửa hàng, hoặc là kinh doanh, hoặc là cho thuê. Vì thế không gian bếp bị thu hẹp lại tới mức tối thiểu.
Nhà bạn tôi cũng vậy. Bà mẹ chồng ở gian nhà phía sau, gian bếp ngăn ra cho thuê cửa hàng phía mặt phố được hai kiot, còn vợ chồng con cái cô làm cái gác xép lên trên cửa hàng làm phòng ngủ và hành nghề. Vì thế mà bếp phải dùng chung với mẹ chồng.
Trở lại câu chuyện đang nói dở, tôi bảo cô: “Chẳng cần phải ngăn thêm bếp làm gì. Trong bếp thì quan trọng nhất là bếp đun. Bây giờ cô chỉ cần mua một cái bếp điện về đặt chung với bà. Thế là ổn”.
Cẩn thận hơn, tôi xuống bếp tính tuổi chồng cô rồi chọn hướng và vị trí đặt bếp được đúng tọa hung hướng cát. Hôm sau đến chữa buổi cuối, cô khoe đã mua và đặt bếp như tôi hướng dẫn.
Bẵng đi đến tuần lễ, bỗng cô gọi điện rủ tôi đi café để thông báo chuyện vui. Khi tôi đến nơi, cô mừng rỡ nói: “Sau khi em đặt bếp riêng như bác hướng dẫn thì hiệu nghiệm ngay bác ạ. Hôm qua bà em họp gia đình, quyết định bà ở gian nhà trong, còn hai kiot cho anh chồng em một gian và chồng em gian còn lại. Cảm ơn bác nhiều lắm”. “Cảm ơn bà chứ sao cô lại cảm ơn tôi”. “Thì bao nhiêu năm nay bà có đả động gì đâu. Thậm chí có lần chồng em gợi ý bà còn lờ đi. Thế mà tự dưng hôm qua lại quyết định cho em cái kiot. Chả nhờ bác bảo mua bếp riêng thì là gì nữa”.
Thực sự tôi cũng không biết việc cô được chia nhà có liên quan gì đến việc đặt bếp riêng hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng trong phong thủy có một điều mà hầu như rất ít người, ngay cả các chuyên gia phong thủy, để ý đến. Đó là: Mỗi gia đình phải có một bếp riêng, nếu không thì chưa thể gọi là một gia đình.
Như trên đã nói, trong một ngôi nhà, căn hộ có nhiều không gian chức năng, nhưng chỉ riêng bếp là có thần cai quản.
Mỗi năm, đến hai ba tháng chạp, Thần Bếp, tức Táo Quân lại lên Thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng về công chuyện trong một năm của gia đình đó. Không có bếp riêng, có nghĩa là gia đình đó cũng không có Thần Bếp.
Vì vậy, cái bếp là hình ảnh tượng trưng cho một gia đình với tư cách là một thực thể riêng. Cho nên thiếu gì thì thiếu, nhưng thiếu bếp thì vẫn không phải là một gia đình hoàn chỉnh, không phải là một gia đình độc lập.
Vì vậy, con cái có thể ở chung với bố mẹ, nhưng nếu đã là gia đình riêng thì dứt khoát phải có bếp riêng./.