Không ít người hỏi tôi câu này. Tôi hỏi lại:

  • Tại sao lại phải kiêng?
  • Vì tháng bảy là tháng cô hồn.
  • Thế nào là tháng cô hồn?
  • Vì rằm tháng bảy là ngày Diêm Vương mở cửa địa ngục, xá tội cho các cô hồn thả về dương thế.
  • Vậy việc xá tội có phải là việc phúc hay không?
  • Việc phúc ạ. Vì các cô hồn bị giam hãm dưới địa ngục nay được giải thoát.
  • Việc phúc thì sao lại kiêng!

Sự đời nhiều khi có những cái oái oăm như thế.

Lễ Vu lan báo hiếu

Lễ Vu lan báo hiếu

Tháng bảy âm lịch có hai sự việc lớn: Một là Lễ Vu lan báo hiếu; hai là có ngày xá tội vong nhân. Theo phong tục dân gian ở nước ta, mọi người thường tổ chức cả hai lễ ấy vào ngày rằm tháng bảy âm lịch.

Tuy nhiên phong tục từng vùng miền có sự khác nhau, người dân các tỉnh phía Bắc thì coi trọng ngày Xá tội vong nhân còn ở các tỉnh phía Nam thì đề cao Lễ Vu lan báo hiếu.

Trước giải phóng miền Nam năm 1975, người dân miền Bắc thường chỉ cúng rằm tháng bảy với ý nghĩa của ngày Xá tội vong nhân, đốt vàng mã cho ông bà cha mẹ và cúng chúng sinh chứ hầu như không hề biết đến lễ Vu lan. Sau giải phóng, Lễ Vu lan mới lan dần ra các tỉnh phía Bắc.

Vu lan mùa báo hiếu

Vu lan mùa báo hiếu

Như vậy, cả hai ngày lễ này đều có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con người hướng về cội nguồn tổ tiên và lòng vị tha, thương xót những số phận không may mắn.

Việc báo hiếu cha mẹ hay cúng chúng sinh đều là tích đức, làm việc thiện cả. Như vậy, nếu suy cho cùng thì đây là tháng lành chứ đâu có gì xấu mà phải kiêng kỵ.

Thực ra, lý do lan truyền tâm lý kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch là từ chữ “cô hồn” mà ra.

Có người cho rằng, vì là tháng mở cửa địa ngục nên các cô hồn trở về dương gian đi lảng vảng khắp nơi, nếu tiến hành việc quan trọng sẽ bị quấy nhiễu.

Nếu nói như thế thì kể cả ta không làm việc gì cũng bị quấy nhiễu chứ đâu phải cứ làm việc lớn mới xui xẻo. Theo quan niệm của nhà Phật thì tâm, đức con người mới là quan trọng. Hòa thượng Thích Thiện Tâm cho rằng, trong mỗi con người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước thì ma quỷ cũng phải sợ. Cớ gì người lại sợ ma quỷ.

Cúng chúng sinh

Cúng chúng sinh

Nếu nói tháng bảy là tháng cô hồn mà kiêng kỵ thì chẳng hóa ra, tháng này người ta không làm gì hay sao? Không ai đi đâu, vậy các nhà xe, các hãng hàng không đóng cửa cả tháng à?

Lâu nay người ta vẫn làm việc mà có sao đâu. Các cảng vẫn tấp nập hàng xuất nhập. Chả lẽ trong tháng bảy, có khách mua hàng mà không bán?

Còn nếu nói đây là tháng cô hồn, với tâm lý có thờ có thiêng có kiêng có lành thì có lẽ, nếu có kiêng cũng chỉ nên kiêng việc nhập trạch vào nhà mới, với suy diễn các cô hồn có thể nhân đó mà theo vào mà thôi.

Còn có người cho rằng, vì tháng bảy là tháng Ngâu nên kiêng việc cưới xin vào tháng này, nếu không sẽ dễ bị chia ly. Điều này cũng không đúng.

Theo truyền thuyết dân gian thì tháng bảy còn được gọi là tháng Ngâu vì có những đợt mưa dầm dai dẳng là nước mắt của Ông Ngâu, Bà Ngâu cả năm trời mới được gặp nhau (còn ở Trung Quốc là câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ) mà ra.

Câu chuyện dài dòng, nhưng nói ngắn gọn thì vì phạm tội mà vợ chông Ông Ngâu, Bà Ngâu bị Ngọc Hoàng bắt phải sống xa nhau. Sau thương tình mới cho họ mỗi năm được gặp nhau một lần vào tháng bảy âm lịch. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi nên nước mắt chứa chan rơi xuống hạ giới thành mưa dầm, dân gian gọi là mưa Ngâu.

Đàn quạ bắc cầu qua sông Ngân để Ông Ngâu, Bà Ngâu gặp nhau

Đàn quạ bắc cầu qua sông Ngân để Ông Ngâu, Bà Ngâu gặp nhau

Cả năm Trời bắt xa cách, tháng bảy lại được gặp nhau thì đây phải gọi là tháng hội ngộ chứ sao lại là chia ly. Vì vậy, tháng bảy kiêng không cưới hỏi vì lý do trên cũng là điều vô lối.

Có chăng, tháng bảy mưa dầm dề, tổ chức cưới hỏi hay làm việc gì cũng dễ bị ảnh hưởng, bất tiện… nên người ta tránh ra, lâu dần thành tâm lý sinh ra kiêng kỵ mà thôi.

Vì vậy, thực chất tháng bảy âm lịch không có lý do gì phải kiêng kỵ. Nếu có cơ hội bạn cứ nên làm, đừng bỏ lỡ thời cơ để rồi ân hận.

Tuy nhiên, như trên đã nói, tục lệ kiêng kỵ này tồn tại lâu ngày nên thành nỗi ám ảnh, những việc gây tác động hằng ngày hoặc theo suốt cuộc đời nếu suôn sẻ không sao, chẳng may có chuyện xảy ra dù chẳng liên quan gì đến tháng bảy cũng dễ gây suy nghĩ. Vì vậy, nếu có kiêng kỵ thì cũng chỉ cần tránh hai việc là nhập trạch và cưới hỏi mà thôi. Còn mọi việc khác nên tùy cơ mà ứng biến, đừng tự mình trói buộc mà hại cho mình./. 

Theo Reatimes.vn